Nhật Bản: Bước đi đầu tiên “hồi sinh” điện hạt nhân

Ngày 7/11, chính quyền tỉnh Kagoshima đã chấp thuận cho hai lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Sendai ở tỉnh này hoạt động trở lại.

Theo NHK, phát biểu với báo giới chiều 7/11, Tỉnh trưởng Kagoshima Ito Yuichiro nói ông đồng ý cho lò phản ứng số 1 và số 2 hoạt động trở lại.

Theo ông Ito Yuichiro, quyết định trên được đưa ra sau khi chính quyền tỉnh đã xem xét một cách toàn diện và ở nhiều góc độ khác nhau. Thành phố Satsuma Sendai, nơi đặt nhà máy, đồng ý vào tháng trước.

Nhận xét của Cơ quan Pháp quy hạt nhân của Nhật Bản (NRA) hồi tháng 9 vừa qua cho biết, 2 lò phản ứng tại nhà máy Sendai đã đáp ứng đủ các tiêu chuẩn an toàn do cơ quan này đề ra. Song, hai lò phản ứng này chỉ có thể hoạt động trở lại vào đầu năm 2015, sau khi hoàn tất các quy trình kỹ thuật và NRA hoàn thành kiểm tra tại hiện trường.

Hiện tại, toàn bộ 48 lò phản ứng hạt nhân thương mại của Nhật Bản phải ngừng hoạt động cho tới khi vượt qua các cuộc thẩm định an toàn của NRA. Các tiêu chuẩn nghiêm ngặt được đề ra hồi tháng 7/2013 sau thảm họa hạt nhân Fukushima do trận động đất - sóng thần hồi tháng 3/2011 khiến hàng chục nghìn người mất nhà cửa và nhiều vùng đất có nguy cơ bị bỏ hoang vĩnh viễn.

Nhà máy Sendai, do Công ty Điện lực Kyushu điều hành, là nhà máy đầu tiên được chính quyền tỉnh và thành phố đồng ý cho hoạt động trở lại, kể từ khi chính phủ đưa ra những quy định sau sự cố trên.

Tuy nhiên, việc tái khởi động nhà máy đã vấp phải sự không đồng tình của người dân. Người biểu tình phản đối hạt nhân đã tập trung trước văn phòng chính quyền tỉnh Kagoshima, giương cao biểu ngữ chống hạt nhân và bày tỏ thất vọng với quyết định vội vàng của hội đồng tỉnh.

Họ chỉ trích các thành viên hội đồng đã đưa ra quyết định mà bỏ qua quan điểm của người dân trong tỉnh, cũng như ở những nơi khác tại Nhật Bản. Những người biểu tình nói họ sẽ tiếp tục đấu tranh chống lại quyết định này.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thúc đẩy cho các nhà máy điện hạt nhân hoạt động trở lại để khôi phục nguồn điện hạt nhân vốn đáp ứng hơn 1/4 nhu cầu năng lượng của nước này, trong khi giá thành các nguồn năng lượng khác cao hơn nhiều khiến hàng hóa sản xuất ra khó cạnh tranh.

BT