Nhập khẩu đường sẽ có cơ chế mới?

Việc thay đổi cơ chế NK đường sẽ khắc phục được tình trạng không công khai, minh bạch và xóa bỏ cơ chế “xin - cho” nảy sinh từ lâu nay.

Trong công văn trả lời Báo Hải quan về cơ chế NK đường tháng 11-2014, Bộ Công Thương cho rằng, về cam kết NK đường của Việt Nam trong WTO, theo Biểu cam kết hàng hóa trong WTO, "đấu thầu hạn ngạch thuế quan là trái với một số quy định của WTO bao gồm các Điều II, X, XI của GATT 1994 và Điều 4 của Hiệp định Nông nghiệp vì cam kết về thuế trong hạn ngạch thuế quan có thể bị vi phạm khi thu các khoản bổ sung khác, giá đấu thầu có thể là giá tối thiểu mà người mua hàng NK phải trả, các tiêu chuẩn cần thiết về minh bạch hóa và khả năng có thể dự đoán đối với các điều kiện NK sẽ không được đáp ứng và bất kỳ giá khởi điểm nào cũng có thể trở thành giá NK tối thiểu". Ngoài ra, theo Biểu cam kết hàng hóa của Việt Nam, phương thức quản lý theo hạn ngạch thuế quan với mặt hàng đường là phân bổ cho đối tượng sử dụng cuối cùng của hàng hóa. Các tiêu chí có thể xem xét khi được phân bổ hạn ngạch như kết quả NK trong quá khứ, năng lực sản xuất và phân bổ cho các nhà NK mới.

Như vậy, trong Biểu cam kết hàng hóa này, mặt hàng đường không cam kết sử dụng phương thức đấu thầu trong phân giao hạn ngạch thuế quan NK.

Hiệp hội Mía đường "hiến kế"

Trong cuộc họp gần nhất giữa Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), Bộ Công Thương đã đồng ý cho đấu thầu đường NK theo hạn ngạch thuế quan. Theo đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị xây dựng cơ chế điều hành NK đường năm 2015 theo hướng công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa người trồng mía, DN và người tiêu dùng. Bộ Công Thương cũng đề xuất thành lập Tổ nghiên cứu để xây dựng cơ chế phù hợp những năm tới đây.

Ngay sau cuộc họp của Bộ Công Thương, VSSA đã "hiến kế" cho Bộ Công Thương quản lý điều hành việc NK đường. VSSA cho rằng, cơ chế hạn ngạch thuế quan NK đường năm 2015 nên áp dụng theo hai hình thức gồm đấu thầu rộng rãi và có chọn lọc.

Ở phương án áp dụng thầu rộng rãi, VSSA kiến nghị Nhà nước cho phép NK 100% đường thô và không giới hạn đối tượng tham gia đấu thầu. Việc đấu thầu hạn ngạch hàng năm sẽ có mức phí cam kết nộp vào ngân sách Nhà nước, đối tượng nào cam kết nộp phí cao hơn thì sẽ trúng thầu. Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ nộp phí, đơn vị tham gia thầu sẽ được cấp quota NK theo số lượng đã cam kết và chủ động chọn nhà cung cấp, NK, phân phối...

Phương án thứ 2 VSSA đề xuất hướng đấu thầu có chọn lọc. Theo đó, số hạn ngạch hàng năm nên được thông báo rộng rãi, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trong tháng đầu tiên của năm đó. Thời điểm thích hợp nhất để lượng đường NK trong hạn ngạch được thông quan theo cơ quan này bắt đầu từ 1-8 hàng năm. Sau khi Hội đồng điều hành duyệt kế hoạch NK thì công bố hồ sơ mời thầu quốc tế để chọn nhà cung cấp và tiếp tục đấu thầu phí dự trữ. Về nguồn tài chính, VSSA cho rằng nên sử dụng quỹ bình ổn quốc gia để NK đường. Mức chênh lệch trong điều hành NK đường trong hạn ngạch sau khi trừ các chi phí sẽ được sử dụng để bổ sung vào nguồn vốn cho dự trữ quốc gia về mặt hàng đường.

Ông Nguyễn Hải, Tổng thư ký VSSA cho biết, đề xuất trên của VSSA chưa phải là phương án cuối cùng. Bởi để xây dựng cơ chế mới Bộ Công Thương còn lấy ý kiến của các bộ, ngành trước khi có ý kiến trình Chính phủ. Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đứng ra làm đầu mối tổng hợp ý kiến các đơn vị để báo cáo Thủ tướng trong tháng 1.

Xóa bỏ "xin - cho"

Trên thực tế, việc điều hành NK đường theo hướng áp dụng đấu thầu đã được VSSA kiến nghị từ nhiều năm nay. Bộ Công Thương đã nhiều lần bác bỏ vì lý do cơ chế này không có trong cam kết WTO. Tuy nhiên, cơ chế phân giao hạn ngạch hiện nay đã dễ dẫn đến "xin - cho", các DN mía đường thường kiện tụng vì không minh bạch. Do vậy, với chủ trương của Bộ Công Thương, có thể thấy, đây là thành công bước đầu của VSSA, bởi theo ông Hải nhiều năm qua Hiệp hội đã liên tục và kiên trì đề nghị thay đổi cơ chế "xin - cho" như bấy lâu nay về việc NK đường theo hạn ngạch thuế quan. Được biết, theo đúng kế hoạch, Bộ Công Thương đã trình báo cáo sơ bộ nhưng Bộ này vẫn chưa "tiết lộ" nội dung.

Theo cam kết WTO, Việt Nam phải cấp hạn ngạch nhập 50.000 tấn đường từ năm 2007 và tăng thêm mỗi năm 5%. Năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập 81.000 tấn đường. Trong khi lượng đường NK theo hạn ngạch lớn, thì tính toán của VSSA cho thấy, vụ mía đường 2014-2015 dự báo tổng nguồn cung là 2 triệu tấn chưa kể đường NK không chính thức, đường nhập lậu trong khi mức tiêu thụ năm 2015 khoảng 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy lượng đường dư thừa trong năm 2015 sẽ trên 600.000 tấn. Với lượng dư thừa này cộng với đường NK theo hạn ngạch thuế quan, dự báo thị trường đường sẽ có nhiều khó khăn.

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, lượng đường tồn kho hiện nay chưa thống nhất giữa Hiệp hội và Bộ NN&PTNT nhưng chắc chắn cung đang lớn hơn cầu. Việc XK đường ra nước ngoài, Bộ Công Thương đã chú trọng mở rộng thị trường XK của Việt Nam để tránh phụ thuộc nhiều vào một thị trường như hiện nay. Bộ Công Thương đã và đang tạo mọi điều kiện cho các DN XK đường ra nước ngoài. "Tuy nhiên, chúng ta phải tuân thủ các cam kết song phương, quốc tế về việc XNK giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có thị trường Trung Quốc", ông Hải nói.