Trong phiên chất vấn chiều 17/11 tại kỳ họp thứ 8 - Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã trả lời như vậy đối với câu hỏi của đại biểu Đỗ Văn Đương (Thành phố Hồ Chí Minh).
Theo đó đại biểu Đương nêu vấn đề có hay không việc một số doanh nghiệp điện lớn của Nhà nước (như thủy điện Hòa Bình) hoạt động cầm chừng trong khi lại phải mua điện ngoài quốc doanh và nhập khẩu từ bên ngoài?
Câu hỏi này được Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đáp lại: "không có cơ sở và lý do để nói Việt Nam nhập khẩu điện từ nước ngoài".
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định không có cơ sở mua điện từ nước ngoài |
Bộ trưởng dẫn chứng Việt Nam đã đầu tư xây dựng nhiều công trình thủy điện trong đó nhiều công trình lớn, đa mục tiêu như Hòa Bình công suất 1.920MW, Sơn La 2.400MW, Lai Châu 1.200MW cũng sắp đi vào hoạt động, còn cả thủy điện Tuyên Quang, Trị An, Yaly...
Một trong những mục tiêu khi xây dựng những công trình này là tận dụng lợi thế, tiềm năng thủy năng vừa để phát điện, cắt lũ mùa mưa, cấp nước cho vùng hạ du phục vụ sản xuất nông nghiệp... vừa đảm bảo điện sinh hoạt cho người dân.
Bởi vậy, không có lý do gì để không khai thác các công trình thủy điện lớn này theo mục tiêu đã định, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh.
Với trường hợp Thủy điện Hòa Bình, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết từ khi xây dựng và vận hành đến nay, nhà máy có công suất 1.920KW luôn cung cấp sản lượng bình quân hàng năm từ 9-10 tỷ kWh và hầu như năm nào cũng đạt chỉ tiêu này chứ không có chuyện sản xuất cầm chừng.
Cùng đó, thủy điện lớn khác là Sơn La cũng đưa vào vận hành trước thời hạn 3 năm và năm nào cũng phát vượt sản lượng thiết kế, trên dưới 10 tỷ kWh mỗi năm. Đó là còn chưa kể hệ thống các công trình thủy điện lớn, nhỏ khác nữa đã đóng góp cho sản lượng điện quốc gia.
Một lần nữa Bộ trưởng khẳng định: "không có cơ sở cho việc phát điện cầm chừng các công trình thủy điện lớn để đi mua điện của các dự án thủy điện ngoài quốc doanh và nhập khẩu điện từ nước ngoài".
Phần trả lời của Bộ trưởng khác với những gì trước đó Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã thông tin.
Theo đó EVN cho biết, việc nhập điện từ Trung Quốc vẫn đang được thực hiện dù có giảm nhiều so với trước.
Cụ thể từ năm 2010 đến nay, việc mua điện Trung Quốc đã giảm rất nhiều do hệ thống điện quốc gia được bổ sung bởi các nguồn điện mới trong nước cộng với tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại nên nhu cầu tiệu thụ điện không cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2014 tổng sản lượng mua điện Trung Quốc là 1,14 tỷ KWh, giảm nhiều so với cùng kỳ các năm giai đoạn trước.
"Thời hạn mua điện được các bên thống nhất trong hợp đồng đã ký là đến hết 2015. Sau đó, hai bên sẽ tiếp tục nghiên cứu để thực hiện việc trao đổi điện năng đối với các đường dây hiện tại và có thể ở cấp điện áp 500kV nhằm mục đích Việt Nam có thể xuất khẩu sang Trung Quốc lúc thừa điện và nhập khẩu lúc thiếu điện", thông tin từ EVN.
Đại diện Tập đoàn này còn nói rõ giá mua điện Trung Quốc hiện tại là 6,08 cents/kWh.
Điều này cũng từng được PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế năng lượng từng dẫn chứng: năm 2012, Việt Nam dư thừa sản lượng và công suất nhưng vẫn phải nhập điện từ Trung Quốc với giá 6,08 UScent/kWh tương đương 1.300 đồng/kWh, trong khi đó, một số lớn nhà máy nhiệt điện trong nước chỉ phát 70-80% công suất và các nhà máy thuỷ điện công suất dưới 30MW giá rẻ không được mua".
Theo PGS.TS Nguyễn Minh Duệ, việc tiếp tục mua điện từ Trung Quốc như hiện nay gây khó khăn, trở ngại cho phát huy năng lực nội địa đối với các nhà đầu tư điện trong nước.