Nhân rộng khu nông nghiệp công nghệ cao

Phát triển các giống rau quả nội là phương thức kinh doanh đúng khi chúng ta đang cạnh tranh gay gắt với các giống rau quả cùng loại ngoại nhập.

Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (AHTP) là khu nông nghiệp công nghệ cao đầu tiên của cả nước cung cấp hạt giống chất lượng cao, nghiên cứu và chuyển giao các mô hình sản xuất rau an toàn cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) ngành nông nghiệp.

Cần thêm nhiều “hạt giống” AHTP

Ông Từ Minh Thiện, Phó Trưởng Ban quản lý, cho biết hiện AHTP đã thu hút được 14 dự án đầu tư với số vốn 190 tỉ đồng. Với thế mạnh về giống cây trồng, AHTP đã nhân giống cả triệu cây cà tím, ớt, bí, cây lan cấy mô các loại, cung cấp cho thị trường gần 60 tấn hạt giống chất lượng cao, 8.000 tấn thành phẩm, 11.500 lít chế phẩm sinh học cho thị trường TP.HCM và các tỉnh khắp cả nước.

Ông Thiện thông tin có được hiệu quả ban đầu là do AHTP tiếp cận kỹ thuật nông nghiệp mới không theo hướng chỉ nghiên cứu giống mà tập trung ứng dụng công nghệ cao vào thực tế sản xuất theo chuỗi cung ứng, làm cho sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế hướng đến xuất khẩu. Chính cách tiếp cận này đã giúp AHTP thu hút được nhiều tiến sĩ, thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân tham gia nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao cho TP.HCM và các tỉnh, thành khu vực phía Nam. 

Theo ông Thiện, AHTP hợp tác với các nước có thế mạnh về nông nghiệp như Hà Lan, Nhật Bản, Đài Loan, Israel... nhằm kết nối giao thương, sản xuất các giống chất lượng cao, các sản phẩm nông nghiệp theo quy trình công nghệ hiện đại. Ở giai đoạn tiếp theo, AHTP sẽ tập trung xây dựng dự án khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại huyện Cần Giờ và một khu chuyên ngành chăn nuôi tại huyện Bình Chánh (quy mô 180 ha). Hiện nay nhiều tỉnh, thành khác như Cần Thơ, Lâm Đồng cũng bắt đầu triển khai xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao.

Nhân rộng khu nông nghiệp công nghệ cao - 1

Đưa công nghệ cao vào nuôi cấy mô, chọn tạo giống rau quả đang được đầu tư ở Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM tại Củ Chi. Ảnh: QUANG HUY

Câu chuyện giống lúa ST

Thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng đang được nhiều thị trường xuất khẩu biết đến. Gạo thơm ST khẳng định được chất lượng cao, từng bước tạo nên một thương hiệu gạo quốc gia.

Kỹ sư Hồ Quang Cua, cha đẻ của giống lúa này, chia sẻ bằng nguồn kinh phí của địa phương, ông và nhóm nghiên cứu đã mất nhiều năm trời dày công nghiên cứu và lai tạo thành công. Hiện nay, những giống lúa chất lượng cao như ST20, ST đỏ, ST tím, ST5… đã được bà con nông dân đón nhận trồng nhiều năm nay. Chỉ riêng giống lúa ST20 và ST5, mỗi vụ đều được trồng với diện tích hơn 60.000 ha ở Sóc Trăng và các tỉnh ĐBSCL.

Theo kỹ sư Cua, việc lai tạo giống lúa thành công nhờ chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện, chú trọng công tác đầu tư giống, kinh phí rót đúng chỗ, đúng người. Đặc biệt phải xây dựng những vùng nguyên liệu diện tích lớn, tiêu thụ ổn định cho nông dân, gắn kết với các DN xuất khẩu.

Gạo thơm ST hạt thon dài đặc trưng, dẻo cơm, thơm hương dứa, hương cốm, năng suất cao, khả năng chịu mặn tốt. Chất lượng gạo ST ngang bằng gạo thơm Thái Lan nên giá của lúa thơm ST luôn cao hơn các giống lúa hiện nay 10%-30%. Ngay những thời điểm giá lúa rớt thì lúa thơm ST vẫn được giá, nông dân trồng lúa này vẫn có lãi. Giá xuất khẩu từ đầu năm đến nay của gạo ST5 luôn ở mức 600 USD/tấn và gạo ST20 đã ở mức 900 USD/tấn nhưng các DN vẫn không đủ hàng để bán. Người tiêu dùng của các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đã biết và chọn mua gạo thơm ST của Việt Nam. Ở thị trường nội địa, gạo thơm ST đang được tiêu thụ mạnh ở TP.HCM và tại khu vực phía Bắc. Giá luôn ở mức trên 20.000 đồng/kg.

Kỹ sư Cua dự định sắp tới ông và nhóm nghiên cứu của Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng tiếp tục nghiên cứu những giống lúa thơm ST có giá xuất khẩu khoảng 700 USD/tấn.

Cạnh tranh bằng giống nội

Hiện nay có những DN chọn hướng đi đầu tư trang trại nuôi các giống gia súc, gia cầm thuần chủng như gà ri, gà Đông Tảo với quy mô lớn. Thậm chí có tư nhân thuần dưỡng những giống gà rừng, heo rừng, phát triển đàn số lượng lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc phát triển các giống rau quả nội là phương thức kinh doanh đúng khi chúng ta đang cạnh tranh gay gắt với các giống rau quả cùng loại ngoại nhập. Những giống rau nội như rau dền, cải ngọt, mướp hương… vẫn là lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng vì vị ngon, ngọt tự nhiên, ngon hơn nhiều so với giống rau nhập ngoại. Đấy là chưa nói đến những loại trái cây đặc sản như quýt Lai Vung, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn, bưởi Năm Roi… Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ các hợp tác xã, DN, tư nhân đang làm tốt việc khai thác và bảo tồn giống thuần Việt.

TS VÕ MAI, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam

“Ép” DN ngoại phải chuyển giao công nghệ

Hiện nay để tiết kiệm chi phí, các DN chăn nuôi nước ngoài nhập giống về Việt Nam, nhân giống rồi bán chứ không hề đầu tư trung tâm nghiên cứu phát triển giống đầu dòng. Vì vậy Nhà nước, bộ, ngành cần có quy định đối với các giống lai F1 (sau khi đã được công nhận) các DN nước ngoài chỉ được nhập khẩu trong 2-3 năm đầu, sau đó phải sản xuất tại chỗ, để qua đó chuyển giao công nghệ, thúc đẩy sản xuất trong nước. Nội địa hóa sản xuất còn giúp chi phí giá thành giống hạ rất nhiều, lợi cho nông dân. Indonesia cũng đã thành công nhờ chiến lược phát triển giống cây trồng “ép” nội địa hóa sản xuất. Indonesia buộc các nhà đầu tư nước ngoài sau hai năm vào kinh doanh sản phẩm giống cây trồng phải chuyển giao công nghệ nghiên cứu, sản xuất (kể cả giống biến đổi gien - GMO) cho nước này để họ có thể tự làm giống tốt, tránh sự thao túng về giá của DN ngoại. Dù là một nước nhập khẩu gạo nhưng hiện nay Indonesia đã chủ động sản xuất được 50% giống lúa.

GS VÕ TÒNG XUÂN, chuyên gia nông nghiệp