Nhà đầu tư tháo chạy khỏi hàng hóa nhiều nhất trong 6 năm

Các nhà đầu tư đang rời bỏ thị trường hàng hóa với tốc độ nhanh nhất trong vòng 6 năm trở lại đây do giá các mặt hàng từ ngô, dầu mỏ cho đến vàng đều sụt mạnh và tiến sát mức chi phí sản xuất của các hàng hóa này.

Theo số liệu thống kê, các trạng thái mở đối với hàng hóa nguyên liệu thô kỳ hạn và quyền chọn đã giảm 5,9% kể từ tháng 6 tới nay, hướng tới nửa cuối năm giảm mạnh nhất kể từ năm 2008. Các quỹ ETP chuyên giao dịch kim loại, năng lượng và nông sản trong khi đó rút ròng 563,9 triệu USD kể từ đầu năm tới nay – là chuỗi 2 năm rút ròng liên tiếp của các quỹ lần đầu tiên trong vòng 1 thập kỷ.

Theo nhận định của các tổ chức quốc tế, giá hàng hóa đang chịu áp lực từ nhiều phía. Giá dầu mỏ giảm đã kéo theo các hàng hóa đi xuống trong khi nguồn cung các hàng hóa từ đậu tương tới quặng sắt đều tăng lên.

Chỉ số giá của 22 hàng hóa BCI đã giảm 13% trong năm nay – hướng tới năm giảm thứ 4 liên tiếp và là chuỗi ngày tháng giảm lâu nhất kể từ năm 1991. Giá dầu Brent giảm 43% trong năm nay – nhiều nhất trong số các hàng hóa, sau khi đã rơi xuống dưới 60 USD/thùng lần đầu tiên trong 5 năm vào tuần trước. Giá các năng lượng khác như xăng và dầu sưởi cũng sụt giảm do nguồn cung của Mỹ tăng lên và cuộc cạnh tranh về giá của các nước sản xuất trong khối OPEC.

Giá dầu giảm đang làm giảm chi phí sản xuất thực phẩm và kim loại, làm tăng thêm mối lo sụt giảm với các hàng hóa khác. Từ cuối tháng 6 tới nay, giá xăng bán lẻ tại Mỹ đã giảm 32% xuống trung bình 2,505 USD/gallon – thấp nhất trong 5 năm. Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu theo dõi bởi FAO cũng rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2010.

Hàng hóa giảm đồng nghĩa với những lo lắng về lạm phát mất đi và đó cũng là yếu tố “giết chết” giá vàng. Theo thống kê, nắm giữ vàng của các quỹ ETP đã giảm 8,8% trong năm nay. Trả lời phỏng vấn mới đây, Francisco Blanch, giám đốc bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Bank of America cho rằng giá vàng có thể rơi xuống 1.100 USD/ounce trong năm tới, từ quanh 1.200 USD/ounce hiện nay.

Trung Quốc, nước tiêu thụ hàng hóa nhiều nhất thế giới, đặc biệt là ngũ cốc, năng lượng và thịt, được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ yếu nhất kể từ năm 1990 trong năm tới và điều đó tác động xấu lên giá cả. Trong khi đó theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, nguồn cung đậu tương thế giới tăng lên sẽ đẩy nguồn dự trữ mặt hàng này lên mức cao kỷ lục và giá sẽ tiếp tục xấu sau khi 2014 đang hướng tới chuỗi 2 năm giảm đầu tiên kể từ năm 1999.

Bên cạnh các yếu tố cơ bản thì một lý do nữa gây áp lực lên giá mà các chuyên gia đang bày tỏ mối quan ngại sâu sắc đó là đồng nội tệ của các nước yếu đi. Trong năm nay, đồng nội tệ của các nước sản xuất từ quặng sắt, đậu tương cho đến dầu mỏ đều yếu và thôi thúc các nước này sản xuất hàng hóa nhiều hơn.

Dẫu vậy, có một số dự báo vẫn lạc quan về giá vài hàng hóa năm tới, nhất là các kim loại cơ bản dùng trong công nghiệp.

Theo Goldman thì giá nickel sẽ tăng mạnh nhất sau khi Indonesia – nước sản xuất nickel lớn nhất thế giới – ban hành lệnh cấm xuất khẩu quặng thô hồi đầu năm nay. Ông Jeffrey Currie, đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của Goldman cho rằng đà tăng của giá các kim loại công nghiệp sẽ giúp hạn chế đà rơi của nông sản và vàng trong rổ hàng hóa nói chung.

Ngọc Toàn