Điều kiện khí hậu, thời tiết của Việt Nam rất lý tưởng cho việc phát triển của đàn chim yến. Quần thể chim yến ở Việt Nam đang tăng nhanh do ấp nở nhân tạo, nhân đàn của các cơ sở nuôi chim yến. Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến phát triển tự phát, nhiều địa phương chưa có quy hoạch cụ thể dẫn đến rủi ro cho người nuôi, bắt đầu ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển và môi trường đô thị. Điều đó về lâu dài sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả ngành nghề nói chung và lợi ích của mỗi thành viên nói riêng.
Việc phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch của các nhà yến ảnh hưởng không chỉ tới môi trường mà còn cả ngành nuôi yến Việt Nam |
Theo tính toán, đến năm 2020 cả nước sẽ có 10.000 ngôi nhà yến với sản lượng yến sào xuất khẩu khoảng 200 tấn thành phẩm, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 300 triệu USD/năm. Tuy nhiên, với sự phát triển nhanh như vậy, ngay từ bây giờ phải đặt ra vấn đề quy hoạch cũng như thành lập Hiệp hội yến sào. Trong các hội thảo, các nhà khoa học đã nghiêm túc đặt ra vấn đề quy hoạch theo hướng bền vững; tập hợp được lực lượng cán bộ khoa học, phòng thí nghiệm, trạm thực nghiệm, xây dựng cơ sở dữ liệu, trao đổi thông tin quốc tế.
Các đề tài nghiên cứu cần tập trung bao gồm: phân bố địa lý các loài chim yến; sinh học/sinh thái học loài chim yến ở đảo, chim yến nuôi; kỹ thuật/công nghệ nuôi yến lấy tổ; công nghệ chế biến/bảo quản/tiếp thị tổ yến và các dẫn xuất từ tổ yến; cơ hội/thách thức cho phát triển bền vững; công tác quản lý/chính sách/kế hoạch; nghiên cứu, đào tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế... Bên cạnh đó phải sớm hình thành Hiệp hội yến sào cả nước; phối hợp chặt chẽ giữa phát triển và quy hoạch vùng nuôi theo hướng bền vững; gắn với quy hoạch đô thị và vệ sinh môi trường.
ThS Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Cty TNHH MTV Yến sào Nữ Hoàng -cho biết: Trong những năm tới, nghề nuôi chim yến trong nhà ở nước ta sẽ phát triển mạnh mẽ. Dự báo số lượng nhà yến sẽ tăng theo cấp số nhân. Do vậy, việc quy hoạch theo hướng bền vững, phù hợp với quy hoạch đô thị và sự đảm bảo môi trường. Bên cạnh đó cần sớm thành lập Hiệp hội yến sào Việt Nam nhằm tập hợp các DN, tổ chức, cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực liên quan đến chim yến và sản phẩm yến sào. Hiệp hội phải là tổ chức thống nhất sự liên kết các thành viên vì lợi ích chung của ngành nghề, của mỗi thành viên, của cộng đồng và đất nước. Vai trò của Hiệp hội Yến sào Việt Nam còn thể hiện thông qua các hoạt động đào tạo, phổ biến kiến thức, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho hội viên một cách sáng tạo, tổ chức xúc tiến thương mại cho DN thành viên, điều phối để nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm yến sào...
Nghề nuôi yến trong nhà đúng là đầy triển vọng, nhưng cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ. Nhiệm vụ nặng nề đặt ra chẳng những cho các nhà khoa học, các thành viên yến sào mà còn cả cộng đồng.
Nguyễn Xuân