Theo thống kê từ Cộng đồng Tiêu Quốc tế (một nhóm các nhà sản xuất ở Jakarta), hiện hạt tiêu đen đang được giao dịch trên thị trường với mức giá khoảng 9 USD/kg; tăng mạnh so với mức 2 USD/kg trong khoảng 1 thập kỷ trước. Trong khi đó, giá hạt tiêu trắng vào khoảng 13 USD/kg, tăng gấp 3 lần so với 1 thập kỷ trước.
Theo ông Greg Estep – Giám đốc mảng rau và gia vị của Công ty Olam International có trụ sở tại Singapore, lượng tiêu thụ tiêu đã vượt quá nguồn cung từ khoảng 8 năm nay, do nhu cầu nêm gia vị tăng lên vì người châu Á ngày càng ăn nhiều thịt hơn.
Đà tăng giá của thị trường xuất khẩu tiêu (hiện đã có giá trị 2,5 tỷ USD) trái ngược với đà giảm giá liên tục của các loại hàng hóa bởi nguồn cung sụt giảm trong 4 năm gần đây. Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), sản lượng tiêu của Việt Nam đã tăng gấp 15 lần trong vòng 2 thập kỷ qua và đưa Việt Nam vượt Ấn Độ trở thành nhà cung cấp tiêu lớn nhất thế giới .
“Tôi đến mảnh đất này với 2 bàn tay trắng. Nhưng nhờ thu nhập từ hạt tiêu đã giúp tôi nuôi cả gia đình, xây nhà và mua xe máy” - Ông Nguyễn Văn Thành, 54 tuổi, một nông dân có 14 năm kinh nghiệm trồng tiêu tại Đắc Lắc chia sẻ.
Theo ước tính mỗi năm, ông Thành thu hoạch từ 4,5-5 tấn tiêu từ 1,5 hecta đất tại Tây Nguyên. Ông Thành cũng cho biết, giá tiêu nhà ông được bán với giá 190.000 đồng/kg; cao gấp 9 lần so với tổng chi phí sản xuất.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế Bloomberg, ngành nông nghiệp Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể từ sau công cuộc Đổi mới thập niên 80; mà thành quả trực tiếp của nó chính là tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận được với thị trường quốc tế.
Người nông dân Việt Nam trồng nhiều tiêu, cà phê và lúa hơn. Theo thống kê của FAO, Việt Nam đã sản xuất ra được 1,3 triệu tấn cà phê trong năm 2012, gấp 11 lần so với 2 thập kỷ trước đó và trở thành nhà sản xuất cà phê lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil.
Kết nối thương mại toàn cầu
Marjorie Shaffer - tác giả cuốn "Hạt tiêu: Lịch sử loại gia vị quyền lực nhất thế giới" cho biết, trong nhiều thập kỷ qua, Ấn Độ và Indonesia là nhà cung cấp tiêu lớn nhất trên thế. Dù hạt tiêu là loại cây trồng truyền thống của Việt Nam, nhưng lại loại cây này mới trở thành trọng tâm phát triển của ngành trồng trọt trong thời gian gần đây.
“Trước những năm 1990, chúng tôi thậm chí không sản xuất đủ tiêu cho nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, kể từ sau khi mở cửa nền kinh tế đến nay, sản lượng tiêu đã tăng mạnh”, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch Hiệp hội hồ tiêu Việt Nam cho biết.
Theo số liệu của IPC, Việt Nam đã thu hoạch 122.000 tấn tiêu vào năm ngoái, trong khi Indonesia chỉ thu hoạch 63.000 tấn và Ấn Độ là 58.000 tấn. Cũng theo thống kê, sản lượng tiêu toàn cầu năm 2013 là 375.800 tấn, con số thay đổi không đáng kể so với những năm đầu thập kỷ mặc dù kim ngạch xuất khẩu đã tăng 23% lên mức 278.033 tấn.
Thương mại châu Âu ...
Theo ông Nam, giá hạt tiêu tăng lên đã giúp cho nhiều nông dân Việt Nam có cuộc sống khá giả hơn. Ngoài ra, thống kê của CIA cho thấy, một nửa lực lượng lao động của Việt Nam hiện làm trong lĩnh vực nông nghiệp – lĩnh vực đóng góp 20% vào tổng GDP của đất nước.
Tiêu và gừng được xem là hai loại gia vị lâu đời nhất. Hai mặt hàng này được xuất khẩu lần đầu tiên vào khoảng 4.000 năm trước. Tuy nhiên, nó chỉ thực sự phát triển mạnh kể từ những năm 1400 sau khi người châu Âu đi tiên phong trong giao thương hàng hải kết nối với châu Á.
Trong khi đó, theo thống kê của Công ty Olam, tỷ lệ dự trữ tiêu toàn cầu trên mức tiêu thụ hiện nhỏ hơn 10%; tỷ lệ này năm 2004 là 75%.
Bắt đầu từ những trang trại nhỏ
“Việt Nam đang trở thành một thị trường ngày càng quan trọng trong thương mại quốc tế, do xuất khẩu tăng trưởng mạnh; trong khi tiêu thụ nội địa không tăng quá nhanh” - ông Estep cho biết.
Theo IPC, những người trồng tiêu tại Việt Nam thường sở hữu trang trại nhỏ với diện tích từ 1–2 hecta. Sản lượng đầu ra trung bình đạt 2,2 tấn mỗi hecta; trong khi sản lượng của Indonesia trung bình chỉ đạt khoảng 400 – 500 kg mỗi hecta.
Ông Nam cho biết, sản lượng tiêu của Việt Nam dự kiến duy trì ổn định ở mức từ 130.000 – 135.000 tấn trong năm tới. Đồng thời, mức giá sẽ duy trì từ 7.000 – 8.000 USD/tấn. Và mức giá này sẽ mang lại thu nhập ổn định và nguồn vốn để mở rộng kinh doanh cho những người nông dân như ông Thành.
“Tôi đã có đủ tiền để mua một chiếc ô tô. Nhưng tôi sẽ mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng tiêu trước” - ông Thành chia sẻ.
>>>Cà phê Việt Nam "cứu nguy" cho thị trường thế giới
Nguyệt Quế