Thế nhưng sau đó họ liên tục mở rộng sản xuất kinh doanh vì nhiều người Việt cũng ưa thích dùng các loại thực phẩm này.
Một trong những lý do để cô Back Eun A quyết định ở lại Việt Nam lâu dài là do Việt Nam có những nét tương đồng về văn hóa và ẩm thực với Hàn Quốc. Trước đây, khi chưa đến TPHCM sinh sống cùng chồng, cô Back đã mấy phen chần chừ vì lo ngại thực phẩm Việt Nam không hợp khẩu vị của mình và con cái.
Khi biết rằng nhiều loại thực phẩm Hàn Quốc có thể mua được dễ dàng ở Việt Nam, cô quyết định đến Việt Nam sinh sống, đến nay đã hơn 10 năm. Giờ thì cô nói cô thấy hài lòng vì có thể nấu những bữa ăn hàng ngày cho gia đình bằng các loại nguyên liệu rau củ được trồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng.
Hiện có khoảng 70.000-80.000 người Hàn Quốc đang sinh sống tại TPHCM. Nhìn thấy sự gia tăng của cộng đồng người Hàn tại Việt Nam, cách đây mấy năm, Công ty cổ phần Kim&Kim đã ra đời, sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ nguồn cung cấp ở Đà Lạt để chế biến những món cá kim rim ớt, đậu hũ hay kim chi các loại... theo khẩu vị của người Hàn. Sản phẩm làm ra đã hiện diện tại nhiều siêu thị ở các tỉnh, thành, không chỉ được người Hàn tiêu thụ mà cả người Việt cũng ưa thích.
Hiện nay, nhiều loại rau trồng ở Đà Lạt không chỉ được cung cấp làm nguyên liệu chế biến thực phẩm cho người Hàn tại Việt Nam mà còn được xuất khẩu sang Hàn Quốc. Đầu tháng 9-2014, Hợp tác xã nông nghiệp tổng hợp Anh Đào (Anh Đào co.op) đã xuất khẩu rau xà lách Mỹ sang Hàn Quốc thông qua đối tác CJ Group.
Đây là những sản phẩm sản xuất theo VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt). Phía Anh Đào co.op cho biết họ ký được hợp đồng xuất khẩu dài hạn và có giá bán cao hơn thị trường nội địa khoảng 15%.
Hay như Lotte Mart cũng đã bắt đầu chuyển hàng trăm mặt hàng nông sản của Việt Nam sang bán trong hệ thống hơn trăm siêu thị của họ ở Hàn Quốc. Chị Hoàng Oanh, một du học sinh ở Hàn Quốc, cho biết ngày trước, người Việt sống ở Hàn Quốc mỗi khi muốn mua những sản phẩm từ Việt Nam là phải nhờ người thân gửi sang bằng đường máy bay, nay thì họ đã có thể mua ở các siêu thị.
"Không chỉ có người Việt mới mua thực phẩm của Việt Nam mà nhiều người Hàn cũng mua rau, bún khô, dưa muối... do các doanh nghiệp Việt Nam sản xuất và xuất khẩu qua đây", chị Oanh cho biết.
Theo trang www.gobizkorea.com (trang web thương mại quốc tế do Cục Quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBA) và Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SBC) Hàn Quốc điều hành, có phiên bản tiếng Việt), trong số 1.535 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam có những công ty lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, như Daewon GSI Co., Ltd.; HYSung Vina, Nong San Co., Ltd; Soo In Korean Food…
Về phía doanh nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Thực phẩm Cầu Tre đã liên doanh với một công ty Hàn Quốc để sản xuất các loại thực phẩm từ rong biển vốn rất phổ biến ở Hàn Quốc, như lá kim sấy cuộn kimbap, lá kim nguyên chất, lá kim truyền thống chế biến theo kiểu snack cho trẻ em nhưng theo khẩu vị Việt Nam.
Nguồn nguyên liệu mua từ các tỉnh ven biển Việt Nam và được phía doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước khi chuyển đến nhà máy của Cầu Tre thực hiện khâu thành phẩm.
Giám đốc một công ty sản xuất và xuất khẩu cà phê ở Daklak cho biết có một công ty của Hàn Quốc đang đàm phán với công ty này để hợp tác đầu tư dây chuyền sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn và khẩu vị của người Hàn Quốc. Ông cho biết công ty Hàn Quốc này có kế hoạch mở một số cửa hàng cà phê theo phong cách và khẩu vị của người Hàn tại TPHCM và muốn tìm nguồn cung trong nước. Còn về lâu dài, sản phẩm sẽ được đóng gói để xuất sang thị trường Hàn Quốc.
Một số người dự báo đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam sẽ tăng trong thời gian tới. Một số tỉnh, thành đã dành sẵn quỹ đất cùng những chính sách ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp đến từ xứ sở kim chi.
Theo UBND thành phố Cần Thơ, khoảng quí 2-2015, Vườn ươm công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc sẽ đi vào hoạt động. Tại đây sẽ có một trung tâm nghiên cứu, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, thủy sản của đồng bằng sông Cửu Long. Một số doanh nghiệp Hàn Quốc đã có kế hoạch đầu tư vào đây khi vườn ươm đi vào hoạt động.