Nghịch lý tỷ USD nhập sữa bột, nông dân đổ bỏ sữa tươi

Trong khi sữa tươi chỉ mới đáp ứng chưa đến 30% nhu cầu, mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi hơn 1 tỷ USD nhập sữa bột nhưng có một nghịch lý là bà con nông dân phải đổ sữa ra đường.

Hơn nữa tình trạng này không chỉ xảy ra ở Lâm Đồng mà còn cả ở Hà Nội và một số địa phương khác.

Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn Nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện nay sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước thực chất mới đáp ứng được 28%, còn lại phải nhập sữa bột hoàn nguyên. Điều này cho thấy tiềm năng chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam còn lớn. Tuy nhiên thời gian vừa qua xảy ra tình trạng nông dân đổ sữa ở Hà Nội, Lâm Đồng và một số địa phương khác vì bất đồng trong thu mua sữa giữa các doanh nghiệp chế biến sữa với các bà con nông dân. Nguyên nhân xuất phát từ giá sữa trên thị trường thế giới giảm xuống 50% giá so với cùng kỳ năm 2013.

Trong khi đó tiêu dùng sữa mùa đông giảm, năng suất sữa thời gian này lại cao và liên kết sản xuất giữa người chăn nuôi bò sữa với đơn vị thu mua chưa chặt chẽ.

Nhiều nông dân tại Lâm Đồng đổ bỏ sữa vì không bán được. Ảnh: báo LĐ

Theo số liệu của Tổng Cục thống kê, năm 2014 sản xuất trong nước đạt 914 triệu lít sữa nước, 450 triệu lít sữa tươi nguyên liệu sản xuất trong nước,trừ đi số lượng sữa làm sữa chua trực tiếp từ 10- 20% còn lại khoảng 450.000 tấn sữa tươi đưa vào làm sữa nước. Do nguồn nguyên liệu sữa tươi trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu nên một số doanh nghiệp đã nhập khẩu sữa bột về chế biến thành sữa nước. Sữa tươi nguyên liệu trong nước mới chỉ đáp ứng được 28% nhu cầu.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi tính toán, mỗi lít sữa nước được pha từ sữa bột giá năm 2013 là 12.000-13.000 đồng/lít, hiện nay giá sữa giảm xuống chỉ còn 6.300 đồng đến 6.500 đồng/lít. Trong khi đó giá mua sữa tươi trong nước của nông dân ở mức 13.500 đồng/lít.

Rõ ràng gía cả chênh nhau rất lớn, các doanh nghiệp sản xuất sẽ có tính toán, cân nhắc khi lưạ chọn nên mua sữa tươi nguyên liệu với giá cao hay mua sữa bột hoàn nguyên để hưởng lợi nhuận cao.

“Gía cả chênh nhau rất lớn nhưng nguồn gốc giữa sữa tươi, sữa bột hoàn nguyên trên bao bì vẫn còn nhập nhèm. Sữa bột hoàn nguyên giá khác, sữa tươi giá khác vì chất lượng, giá trị dinh dưỡng khác nhau. Sự không minh bạch trên thị trường là điều kiện để doanh nghiệp thu nhiều lợi nhuận còn người tiêu dùng lại phải mua với mức giá không hợp lý”, ông Chinh khẳng định.

Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT)

Theo ông Chinh, để tạo sự minh bạch các cơ quan quản lý nhà nước, mà ở đây là Bộ Công Thương, Bộ Y tế, quản lý thị trường phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát để giám sát chất lượng sữa của các doanh nghiệp trên thị trường xem có đúng như doanh nghiệp công bố hay không. Nếu phân biệt rõ đâu là sữa tươi, đâu là sữa bột hoàn nguyên trên bao bì sản phẩm sẽ hỗ trợ rất lớn cho việc chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển bền vững.

Để thúc đẩy ngành chăn nuôi bò sữa phát triển bền vững, ông Chinh cho rằng cần phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan quản lý nhà nước với nhau. Thứ hai là phải có chính sách mới để phát triển chăn nuôi bò sữa, thực hiện tốt quy hoạch của ngành sữa.

“Sau vụ nông dân đổ sữa đây là bài học cho cả cơ quan quản lý nhà nước, người chăn nuôi và đơn vị thu mua sữa. Chúng ta phải sản xuất theo quy hoạch, liên kết chặt chẽ, tôn trọng điều kiện trong hợp đồng để sản xuất bền vững chuỗi giá trị từ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu đến các sản phẩm sữa.

Nhân đây cũng khuyến cáo với bà con ông dân, những người có ý định mở các trang trại hoặc gia trại chăn nuôi bò sữa thì trước tiên phải ký được hợp đồng cung cấp sữa cho các trung tâm thu mua sữa với các doanh nghiệp một cách dài hạn trước khi đầu tư phát triển chăn nuôi bò sữa, ngăn ngừa phát triển chăn nuôi một cách tự phát”, Phó Cục trưởng Chăn nuôi bày tỏ.

Bên cạnh đó, Phó Cục trưởng Chăn nuôi cũng đề xuất, ngoài quy hoạch, giám sát chúng ta phải hình thành ủy ban quốc gia sữa Việt Nam bao gồm đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp chế biến sữa, đại diện cho những người chăn nuôi bò sữa và đại diện của người tiêu dùng. Ban này sẽ thay mặt để điều chỉnh hoạt động trong ngành sữa. Chẳng hạn như khi xảy ra tranh chấp thu mua sữa tươi nguyên liệu ở một số địa phương thì ban này sẽ họp lại để có tiếng nói chung giữa các nhà để giải quyết.

Trước ý kiến cho rằng cần phải tăng thuế nhập khẩu với sữa bột hoàn nguyên để doanh nghiệp chế biến sữa chủ động nguồn sữa trong nước, thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi bò sữa trong nước phát triển, ông Chinh đánh giá:Hàng rào thuế quan là một biện pháp để bảo hộ phát triển chăn nuôi bò sữa nhưng chỉ có hiệu lực trong thời điểm nhất định. Còn khi Việt Nam đã là thành viên của các Hiệp định tự do thương mại như ASEAN, TTP thì chúng ta phải tuân thủ cam kết để giảm các dòng thuế về 0, trong đó có sữa.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục chăn nuôi cũng đề xuất, nước ta cũng nên cân nhắc việc sử dụng định mức nhập khẩu. Cấp quota để nhập khẩu sản phẩm này. Đây là những biện pháp thương mại mà nhiều nước vẫn áp dụng.

"Tuy nhiên để có chiến lược lâu dài thì sản xuất chăn nuôi bò sữa trong nước và sữa tươi nguyên liệu phải giảm giá thành sản phẩm , tăng quy mô, đảm bảo chất lượng để cạnh tranh bình đẳng với sản sản phẩm nhập khẩu, đặc biệt là sữa bột để sản xuất sữa nước hoàn nguyên", ông Chinh nói.

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, truyền thông phải tuyên truyền để người tiêu dùng nắm được sự khác biệt giữa sữa sản xuất từ 100% sữa tươi nguyên liệu trong nước và sản phẩm sữa tươi từ sữa bột hoàn nguyên về dinh dưỡng, giá thành để người tiêu dùng tùy nhu cầu quyết định nên mua sản phẩm nào.