Nghịch lý “hàng ngoại” “đội lốt” “hàng nội”

Số lượng mặt hàng hoa quả giả mạo hàng Việt được phát hiện cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong lượng hàng hóa rất lớn không được kiểm soát về chất lượng đang trôi nổi trên thị trường hiện nay.

Nghịch lý “hàng ngoại” “đội lốt” “hàng nội”
Rất có thể trong sạp hàng này có hoa quả nước ngoài.

Hiện nay, người dân đang lo lắng nhiều mặt hàng hoa quả kém chất lượng có xuất xứ từ nước ngoài nhưng qua tay các thương lái thiếu ý thức, số hoa quả ấy được "đội lốt" là đặc sản của Việt Nam…
Hoa quả nước ngoài đóng giả đặc sản Việt Nam
Theo số liệu thống kê mới đây của Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), từ đầu năm 2014 đến hết tháng 7/2014, tổng số táo nhập khẩu là 38.584 tấn. Trong đó nhập từ Trung Quốc là 22.498 tấn, chiếm 58,3%, còn lại là từ một số nước Âu, Mỹ.

Cùng với đó, thông tin về nhiều túi hoa quả bày bán tại các quầy hàng trong một số siêu thị mang nhãn hiệu Việt Nam, nhưng thật chất được nhập về từ nước ngoài, khiến người tiêu dùng bức xúc. Những sản phẩm hoa quả "giả danh" này đang được bán với giá cao ở những nơi mà lẽ ra, hàng hóa cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Nếu như vài năm về trước, các loại hoa quả nhập khẩu chỉ được bày bán trong các siêu thị lớn thì giờ đây, trên bất kỳ đường phố nào ở Hà Nội và các thành phố lớn cũng dễ dàng bắt gặp các điểm bán hoa quả nhập khẩu. Các cửa hàng đều treo băng - rôn, biển hiệu quảng cáo hoa quả nhập ngoại 100%, bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng...

Có thể nói, sự góp mặt của các sản phẩm hoa quả nhập khẩu làm phong phú thêm thị trường, đáp ứng nhu cầu của những khách hàng có điều kiện kinh tế khá giả. Tuy nhiên, chất lượng và giá bán những sản phẩm này còn nhập nhèm, thiếu công khai, minh bạch, khiến thị trường hoa quả nhập khẩu đang ở trong tình trạng "vàng thau lẫn lộn".

Khi được hỏi, một người bán hàng tại chợ Cổ Nhuế niềm nở "Táo này là hàng của Mỹ, còn cam là hàng Việt Nam lấy từ Hà Giang". Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi, tại các điểm bán hàng trong các chợ thường có các thùng xốp đựng hoa quả, bên ngoài in chữ nước ngoài và hình các loại hoa quả được người bán giới thiệu là hoa quả của Việt Nam.
Cơ quan chức năng xử lý hoa quả kém chất lượng. Ảnh minh họa.
Thắc mắc về điều này, một chị bán hàng tại chợ Dịch Vọng cho biết "Ðây là hàng Trung Quốc, nhưng do lâu nay, người tiêu dùng sợ, không chuộng các mặt hàng từ Trung Quốc, cho nên mới phải nói là hàng Việt Nam, nếu không sẽ không bán được hàng và không được giá".

Theo chỉ dẫn của một người bán hàng trong chợ Long Biên, hiện nay, các mặt hàng hoa quả bán tại các chợ Hà Nội chủ yếu lấy hàng tại các chợ đầu mối. Qua tìm hiểu được biết, cứ 22 giờ đêm trở đi thì chợ tấp nập các loại xe tải chở hoa quả, khách buôn đến từ khắp nơi đứng chen lấn, xô đẩy nhau lấy hàng. Những mặt hàng này chủ yếu là từ Trung Quốc, đựng trong các thùng xốp trắng nặng từ 8kg đến 10kg/thùng.

Với giá thành thấp và chênh lệch lớn so với hàng trong nước, cộng thêm hình dáng và màu sắc bắt mắt, các loại hoa quả "ngoại" này đang bán khá chạy. Theo tiết lộ của một người bán hàng hoa quả lâu năm tại Hà Nội, những người bán hàng hoa quả rong trên đường phố có thể lãi đến tiền triệu/ngày, nhờ sự trà trộn giữa hàng Việt Nam và hàng nước ngoài.

Các cơ quan chức năng cần quyết liệt hơn

Hiện nay, tình trạng hoa quả không bảo đảm chất lượng vẫn tràn lan trên thị trường là do lợi nhuận cao và giá rẻ rất dễ bán. Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật Nguyễn Xuân Hồng cho biết, các mặt hàng rau quả nhập từ Trung Quốc qua cửa khẩu, nếu có giấy chứng nhận xuất xứ hàng nhập từ Trung Quốc thì thuế nhập khẩu là 0%, chưa kể rau củ không chịu thuế VAT.

Hoa quả là mặt hàng được kinh doanh, bày bán phổ biến, nhưng thường không có hóa đơn, giấy tờ gì cho nên càng khó quản lý. Vấn đề nữa là, với tâm lý muốn mua hàng rẻ tiền, nhiều người dân ít quan tâm đến nhãn mác, nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa.

Còn với người bán, mặc dù biết là sản phẩm không rõ nguồn gốc, hoặc không bảo đảm chất lượng, nhưng vì chạy theo lợi nhuận cho nên cố tình bán các sản phẩm này cho người dân.

Tình trạng hoa quả nước ngoài "đội lốt" hàng Việt đã gây hoang mang cho người tiêu dùng. Nếu không có biện pháp hữu hiệu, uy tín của hoa quả Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng. Song điều khó nhất hiện nay là ở các địa phương, hàng giả danh hàng Việt chỉ được phát hiện sau khi đối tượng vận chuyển khai nhận. Còn khi đã lưu thông ra thị trường thì rất khó kiểm soát.

Trong khi đó, số lượng mặt hàng hoa quả giả mạo hàng Việt được phát hiện cũng chỉ là một phần rất nhỏ trong lượng hàng hóa rất lớn không được kiểm soát về chất lượng đang trôi nổi trên thị trường hiện nay.

Dịp lễ Tết đã đến rất gần, để lành mạnh hóa thị trường hoa quả, bảo đảm an toàn sức khỏe người tiêu dùng, các ngành chức năng cần tăng cường các biện pháp trong việc kiểm soát chặt chẽ mặt hàng hoa quả nhập khẩu; có hình thức xử phạt đủ sức răn đe đối với các trường hợp thay đổi nhãn mác, sử dụng chất bảo quản, các lô hàng không rõ xuất xứ có hóa chất độc hại.

Mặt khác, cần phát triển các vùng chuyên canh các loại cây đặc sản, xây dựng thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Trái cây trong nước khi bán ra thị trường cũng nên có nhãn mác ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, được bảo hộ thương hiệu, có sự can thiệp điều chỉnh giá để vừa bảo đảm lợi ích cho người sản xuất và nhà phân phối mặt hàng này.

Mỗi người tiêu dùng cần trở thành người tiêu dùng thông thái thông qua việc chọn lựa những mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để bảo đảm cho sức khỏe của chính mình và cả cộng đồng. Trước khi quyết định mua và sử dụng các loại hoa quả nhập ngoại, người tiêu dùng nên tìm tới các địa chỉ uy tín, biết rõ quy trình trái cây được nhập và phân phối để mua hoa quả bảo đảm chất lượng./.