Nhiều quy định “làm khó” doanh nghiệp
Được cho là bước cải tiến đầy tham vọng của cơ quan soạn thảo khi ban hành Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, thay thế Nghị định 84 trước đây. Nhưng nhiều ý kiến doanh nghiệp (DN) lại lo ngại khi một số quy định mới vẫn chưa rõ ràng, nếu không có hướng dẫn cụ thể thì Nghị định này “chẳng khác gì so với Nghị định 84”.
Cũng vẫn là câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước nay đại lý về nguyên tắc được hưởng hoa hồng, nhưng không rõ cách xử lý hàng hóa khi xuất khỏi kho của tổng đại lý và thương nhân phân phối sẽ ra sao. Hóa đơn chứng từ về mặt tài chính thì xuất ra rồi nhưng nếu giá tăng hoặc giảm đột ngột thì phải làm sao? Từ trước đến nay chúng tôi đều mua đứt bán đoạn, và nếu Nghị định 83 không có hướng dẫn thì sẽ không khác gì Nghị định 84.
DN kinh doanh xăng dầu cho rằng, việc bắt buộc thương nhân phân phối phải thuê kho của thương nhân kinh doanh xăng dầu là thiếu thực tế |
Chưa kể, chuyện sẽ có thêm đối tượng đầu mối tham gia vào “sân chơi” kinh doanh xăng dầu, nhưng ông Nguyễn Văn Tiu – Tổng đại lý Công ty Xăng dầu Tự Lực 1 lại lo lắng, không biết thời gian một tháng có đủ để cơ quan quản lý vừa “tức tốc” ra Thông tư hướng dẫn, còn DN cũng đủ thời gian để “vắt chân lên cổ” xin cấp giấy phép hay không?
“Bây giờ đã gần cuối tháng 9 rồi, nghĩa là tới khi Nghị định 83 có hiệu lực chỉ còn hơn 1 tháng nữa mà chưa thấy bóng dáng văn bản hướng dẫn đâu. Theo quy định của Nghị định 83 thì thương nhân phân phối và thương nhân nhận quyền cũng phải làm đủ bộ hồ sơ thủ tục để xin giấy chứng nhận, không đơn giản chút nào, lại rất mất thời gian nữa" - ông Tiu than thở.
Đại diện một DN kinh doanh xăng dầu khác thì lại than thở chuyện kho bãi. Trước đây Nghị định 84 quy định kho bãi của các đại lý, tổng đại lý là 5.000 m3, nhưng trong quy định mới sẽ giảm xuống còn 2.000 m3. Tuy nhiên, các thương nhân phân phối xăng dầu phải thuê kho của các thương nhân kinh doanh dịch vụ kho bãi, xăng dầu. Quy định này được vị đại diện cho là “không sát thực tế”, bởi ngay như DN ông hiện có 3 đối tác kho bãi, tùy từng loại tàu mà DN sẽ thuê kho tương ứng. “Việc quy định gần như mang tính chỉ định buộc DN này phải thuê kho bãi của DN kia là vô lý, chưa kể sẽ phát sinh tiêu cực…” – ông nói.
Nhưng theo ông Nguyễn Văn Tiu, cái khó trong chuyện bắt buộc thuê hay không thuê kho bãi là “giờ làm gì còn DN nào kinh doanh kho bãi đâu để mà thuê”. Ông Tiu cho hay, các kho bãi hiện nay đều thuộc DN nhập khẩu, cho nên thuê kiểu gì?
“Tôi không biết trong Nam thế nào chứ riêng ngoài Bắc không có một DN nào kinh doanh kho bãi để cho các DN xăng dầu thuê cả" - ông Tiu nêu quan điểm.
Chia sẻ với ý kiến phản pháo của DN trước những quy định mới nhưng có phần “làm khó” họ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) Phan Thế Ruệ bình luận, “chắc nhà soạn thảo chưa nghĩ đến thực tiễn là chưa có DN nào xây một loạt kho cho thuê nên chúng ta cần phải đề nghị có hướng dẫn rất cụ thể vấn đề này trong Thông tư hướng dẫn tới".
Ngoài các ý kiến của DN, ông Phan Thế Ruệ cũng chỉ ra những điểm “chưa ổn” trong Nghị định kinh doanh xăng dầu mới. Trước tiên, đối với quỹ bình ổn xăng dầu (BOG), VINPA cho biết ngay từ đầu không tán thành duy trì quỹ này nhưng sau đó xem xét và tìm hiểu một số nước thì thấy có nước áp dụng để giữ ổn định năng lượng.
“Tuy nhiên cần làm rõ nguyên tắc trích lập, quản lý sử dụng như thế nào. Nếu trích thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, còn xả liên tục thì nhiều DN không tài nào chịu nổi như từng xảy ra hồi năm 2010” - ông Ruệ đặt vấn đề.
Về thuế, theo VINPA, cần giữ ổn định thuế nhập khẩu theo 2 phương án: cố định mức thuế cụ thể trong 6 tháng hay 1 năm hoặc cố định thuế suất căn cứ theo thị trường xăng dầu thế giới, nhu cầu trong nước và phải được Quốc hội quyết định.
Nhà đầu tư ngoại sẽ “nuốt chửng” thị trường bán lẻ xăng dầu Việt Nam?
Cũng theo vị Chủ tịch VINPA, chắc chắn tới năm 2018, chậm nhất là năm 2019 thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ phải mở cửa. “Thông tin mà tôi có được là hiện đã có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu vào Việt Nam để thăm dò, điều tra thị trường bán lẻ xăng dầu, nhằm “dọn đường” cho thương nhân của họ vào Việt Nam khi thị trường mở cửa” – ông Ruệ tiết lộ.
Không nêu chi tiết nhà đầu tư ngoại nào đang “nhòm ngó” thị trường xăng dầu bán lẻ Việt Nam, nhưng ông Ruệ cho biết, xu hướng mới của DN nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đó là mua lại hệ thống cửa hàng sẵn có chứ không đầu tư xây mới. Với tiềm lực vốn mạnh số nhà đầu tư ngoại này sẵn sàng mua lại hệ thống cửa hàng bán lẻ với giá cao để kinh doanh.
Theo tính toán của VINPA, chi phí để một cửa hàng xăng dầu từ bước sơ khai trên “giấy” tới khi có thể đi vào hoạt động rơi vào khoảng 1 triệu USD. Nhưng thực tế nếu chuyển nhượng có thể lên tới 1,2 triệu USD. Lãi nắm trong tầm tay, thì chẳng tội gì DN nội có tiềm lực không “nhảy” vào đầu tư nếu có “đầu ra” là các DN nước ngoài sẵn sang mua với giá cao.
Chủ tịch VINPA đúc kết: “Nếu hệ thống bán lẻ xăng dầu cứ như hiện nay, không quan tâm tới hội nhập với thị trường xăng dầu thế giới, điều hành giá xăng dầu sát với thế giới…thì trong tương lai gần các DN nước ngoài sẽ nhảy vào. . Khi hệ thống bán lẻ bị DN nước ngoài thâu tóm, an ninh năng lượng có thể bị đe dọa. DN Việt Nam có đủ sức để cạnh tranh với nước ngoài nhưng vấn đề là cơ chế chính sách như thế nào để tạo điều kiện cho họ.