Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan đem lại thị trường xuất khẩu rộng lớn các mặt hàng thủy sản, nông sản. Tuy nhiên, ngành thép trong nước lại đối mặt với thách thức không nhỏ, đó là thép Nga nhập khẩu. Trong cuộc đối đầu này, đâu là chiến lược của ngành thép Việt Nam để cùng tồn tại?
Ngành công nghiệp thép của Nga được ví như một “người khổng lồ” trong ngành thép thế giới. Sản lượng 70 triệu tấn/năm (gấp 7 lần sản lượng thép của Việt Nam). Thép Nga có chất lượng và giá cả cạnh tranh chính nhờ công nghệ luyện thép tối ưu.
Theo ông Chu Đức Khải, Phó Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA): “Công nghệ mà Nga lựa chọn cho ngành thép là rất chuẩn, họ đi từ quặng sắt, trong khi công nghệ luyện thép của nước ta đi từ thép phế. Nếu kể riêng về điện, công nghệ của họ chỉ tiêu hao 150KWh cho một tấn phôi, nhưng Việt Nam theo công nghệ lò điện là công nghệ từ thép phế, đã tiêu hao 450-600KWh”.
Thép Nga vận chuyển bằng đường biển từ cảng Vladivostok về tới Việt Nam cũng chỉ khoảng 2 tuần, so với từ Trung Quốc là 10 ngày. Giá cước vận chuyển cũng tương đương vận tải biển từ Trung Quốc về Việt Nam, khoảng 20 USD/tấn.
Hiệp hội thép Việt Nam đã đề nghị Chính phủ cần hỗ trợ ngành thép bằng các biện pháp kỹ thuật như kéo giãn lộ trình giảm thuế, hay áp thuế chống bán phá giá. Tuy nhiên các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, Nga cũng có thể áp dụng các biện pháp tương tự đối với nông sản và thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, chỉ một nửa công suất thiết kế của các nhà máy thép Việt Nam đã cho sản lượng vượt gấp đôi so với nhu cầu tiêu thụ trong nước, tức là cung đã vượt quá cầu. Bởi vậy, các chuyên gia cho rằng, giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng thép để cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu là giải pháp tiên quyết cho ngành thép Việt Nam.
Theo Nhóm phóng viên VTV4