Ngành công nghiệp than của Trung Quốc “đóng băng”

Than cung cấp cho gần hai phần ba năng lượng của Trung Quốc nhưng khó khăn đang chồng chất đối với các công ty khai thác mỏ.

Dự trữ than của Trung Quốc đang quá tải (Ảnh: Tân Hoa xã)

Theo ông Jiang Zhimin, Phó Chủ tịch Hiệp hội than Trung Quốc (CNCA), tình hình vốn đã ảm đạm nay có thể tồi tệ hơn do cung đã vượt cầu, năng suất dư thừa cộng với một số lượng lớn hàng nhập khẩu. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm (Fitch) đánh giá 2014 là một năm khó khăn cho công nhân khai thác mỏ than ở Trung Quốc khi giá than trượt giá khoảng 20%.

Hiện nay, kho dự trữ than của Trung Quốc đang chứa khoảng 87 triệu tấn, tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều tệ hại hơn là có 95 triệu tấn than đang chất đống trong các nhà máy để chờ đốt, dư thừa 17% so với năm ngoái. Một số công ty than lớn cho biết 11 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận của họ chỉ đạt 110 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 18 tỷ USD), giảm đến 44,4% so với năm 2013.

Có nhiều nguyên nhân khiến cho ngành công nghiệp than Trung Quốc rơi vào khó khăn. Ngoài năng suất khai thác tăng liên tục thì lượng mưa trung bình năm nay đã giúp cho sản lượng của thủy điện tăng cao và thị trường có nhiều lựa chọn hơn. Cùng với đó, Chính phủ nước này đã áp thuế nhập khẩu từ 3 đến 6% hồi tháng 10 và cấm sản xuất và nhập khẩu than chất lượng thấp nội địa. Ông Jiang Zhimin cho biết bước sang năm 2015, khi Trung Quốc sẽ đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững thì nhu cầu sẽ tiếp tục giảm và áp lực đối với các thợ mỏ ngày càng lớn. Năm 2014, lần đầu tiên sau 14 năm, năng suất khai thác than đã giảm và dự kiến sẽ còn giảm khoảng 2,5% trong năm nay.

Khi Chính phủ Trung Quốc chủ trương sử dụng năng lượng tái tạo thì cũng là lúc việc tiêu thụ than nhiệt bị từ chối. Trung Quốc là nơi sử dụng than lớn nhất thế giới, với tỷ lệ cao hơn nhiều so với các nước phát triển, nơi các tài nguyên sạch hơn như dầu mỏ, khí đốt được ưu tiên tiêu thụ. Quốc gia 1,6 tỷ dân có trữ lượng than lớn thứ ba trên thế giới nhưng lại thiếu khí đốt và dầu mỏ. Các thợ mỏ đang chịu áp lực lớn hơn bao giờ hết để kiểm soát ô nhiễm, với cam kết của Chính phủ nỗ lực giảm lượng khí thải carbon trên một đơn vị GDP . Mục tiêu này có vẻ được thực hiện với tốc độc nhanh chóng khi năm 2013, lượng khí thải cho mỗi đơn vị GDP đã giảm 29 % so với năm 2005 và trong năm 2014 đã giảm thêm 4,8%

Fitch giữ quan điểm cho rằng không có hy vọng nào về xu hướng đi lên của giá than tại Trung Quốc trong năm 2015. Việc đầu tư máy móc đáng kể để gia tăng công suất trước đây đang đem lại hiệu quả về năng suất trong khi nhu cầu của thị trường lại đi xuống. Fitch cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ dòng chảy tiền mặt, vì nhiều nhà sản xuất than đã tiến hành chi phí vốn vay tài trợ và đầu tư khi giá than tăng cao giai đoạn 2009 - 2012. Kiểm soát chi phí và giảm đòn bẩy sẽ là chiến lược quan trọng đối với các công ty để duy trì chất lượng tín dụng ổn định.