“Ngành chăn nuôi chết trên sân nhà..không có đâu!”

(NDH) Chỉ cần khéo léo tổ chức lại sản xuất, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ đứng vững được trong quá trình hội nhập. Còn nếu cứ tiếp tục duy trì sản xuất nhỏ lẻ và để dịch bệnh xảy ra, ngành chăn nuôi của chúng ta thua trên sân nhà là cái chắc.

Đó là đánh giá của ông Đoàn Xuân Trúc – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam khi trao đổi bên lề một cuộc hội thảo về tăng cường cạnh tranh cho ngành chăn nuôi gia cầm trước thềm hội nhập TPP tổ chức ngày 24/9.

Không có chuyện ngành chăn nuôi chết trên sân nhà

Trước thực trạng dư luận gần đây cho rằng khi hội nhập, ngành chăn nuôi của Việt Nam sẽ chết trên sân nhà do sức cạnh tranh yếu, vị đại diện của Hiệp hội cho rằng Việt Nam vẫn còn nhiều hy vọng.

“Nói như dư luận, ngành chăn nuôi sẽ chết trên sân nhà, hoặc gì đó. Không có đâu!”, ông đánh giá.

Ông Đoàn Xuân Trúc – Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam

Ông Trúc cho rằng ngành chăn nuôi có một số điểm yếu đơn giản là do lâu nay chưa được chú trọng củng cố. Nếu giờ đây Việt Nam có các hệ thống chính sách, các biện pháp hỗ trợ, chắn chắn ngành chăn nuôi sẽ đứng vững được.

Lấy Thái Lan làm 1 ví dụ về sự thành công về tái cơ cấu ngành chăn nuôi, ông Trúc cho biết cách đây vài chục năm, trình độ của Thái Lan và Việt Nam không khác nhau, nhưng giờ Việt Nam thua khá nhiều về chăn nuôi gia cầm, vì Thái Lan đã tổ chức sản xuất lại ngay ngay từ sớm.

“Chúng ta có thể hy vọng rằng nếu ta tổ chức lại, nếu tổ chức khéo, nếu có chính sách phù hợp, khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa, thì ít nhất là giai đoạn đầu trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp của chúng ta vẫn đứng vững được, nhưng đứng vững được trên cơ sở hình thành chuỗi liên kết, khuyến khích các doanh nghiệp lớn sản xuất quy mô lớn và công nghệ cao, thì giá thành xuống thấp, khả năng cạnh tranh mới có,” ông Trúc đánh giá.

Còn nếu “cứ tiếp tục duy trì nhỏ lẻ thế này và để xảy ra dịch bệnh thế này thì thua trên sân nhà là cái chắc”. Tuy nhiên, ông cho biết các doanh nghiệp Việt hiện đang chuyển sang xu hướng phát triển sang trang trại và quy mô công nghiệp rồi.

“Có chăn nuôi trang trại chi phí mới giảm, và mới kiểm soát được dịch bệnh, và vay vốn dễ dàng hơn. Thứ nữa là nó giúp đẩy mạnh sự liên kết, sản xuất theo chuỗi” - ông nói

Để tăng khả năng cạnh tranh, ngoài việc củng cố mặt quản lý nhà nước và tổ chức lại sản xuất, cũng cần xử lý đồng bộ các yếu tố về kỹ thuật như giống, thức ăn chăn nuôi, dịch bệnh và an toàn thực phẩm.

Nói về gà nhập khẩu, ông Trúc cho biết không phải gà ngoại muốn vào Việt Nam ngay mà được, vì nhu cầu cũng có giới hạn.

Báo cáo trong hội thảo cũng chỉ ra thực trạng tiêu thụ gà nhập khẩu cũng không đáng ngại nhu dư luận đã lên tiếng, do gà thả vườn vẫn chiếm ưu thế trong tiêu dùng ở Việt Nam và là ưu thế cạnh tranh quan trọng trong sản phẩm gia cầm hiện nay.

Số liệu cho thấy gà thả vườn và gà chất lượng cao của Việt Nam đang tiếp tục phát triển, với sản phẩm thịt gà thả vườn trong năm 2014 đạt 560.000-620.000 tấn, trong khi gà công nghiệp từ 393.000-402.000 tấn.

Lợi thế nào cho Việt Nam trong ngành chăn nuôi?

Theo vị Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi, tuy Việt Nam có chút bất lợi về gà, nhưng có nhiều ngành lợi thế khác.

Lợi thế nhất của ngành chăn nuôi Việt Nam là lợn, gồm cả lợn sữa, lợn choai, lợn thịt. Về đầu con, Việt Nam đứng thứ ba thế giới về lợn lái, lợn thịt cũng đứng thứ 7-8 thế giới. Việt Nam cũng có truyền thống nuôi lợn xuất khẩu, trước kia là xuất khẩu đi Đông Âu để trả nợ và đổi hàng, giờ xuất khẩu đi Malaysia, Singapore, Hồng Kông và Trung Quốc.

Để tăng cường xuất khẩu sang các thị trường này, ông Trúc cho rằng cần phải tổ chức lại sản xuất để giảm giá thành xuống và phải đảm bảo an toàn thực phẩm.

Những năm vừa qua, Việt Nam nhập khẩu chỉ nhập khoảng 3.000-4.000 tấn thịt lợn, trong khi đó xuất khẩu lợn sữa khoảng 20.000 tấn và lợn thịt, cả lợn sống qua đường tiểu ngạch, cũng khoảng 10.000-20.000 tấn/năm, tức gấp khoảng 10 lần so với nhập khẩu.

Vịt cũng là một thế mạnh khác, vì Việt Nam có Đồng bằng Sông Cửu Long rộng lớn, vịt nuôi thả đồng lại có chi phí thấp, chất lượng trứng và thịt cao. Do dịch cúm gia cầm nên Việt Nam không xuất khẩu được nhiều, nhưng trứng vịt ở những vùng không có bệnh vẫn xuất khẩu được, chủ yếu là sang các nước có người Trung Quốc sinh sống.

Những sản phẩm của ngành chăn nuôi, ngoài thịt còn có mật ong được xuất khẩu sang Châu Âu và Mỹ, thức ăn chăn nuôi được xuất khẩu sang các nước ASEAN vì Việt Nam có lợi thế hơn, hay sữa và sản phẩm sữa.

Ngoài ra, ngành chăn nuôi của Việt Nam cũng có cơ hội đứng vững do có thế mạnh về các giống địa phương và do thói quen tiêu dùng thịt tươi của người Việt. Để thay đổi thói quen tiêu dùng cần phải có thời gian rất dài, nên đó là cơ hội để Việt Nam củng cố sức cạnh tranh của ngành này.

Nói về các đặc sản địa phương, ông Hoàng Triều - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Thuốc thú y, hiện là chủ tịch của 3 doanh nghiệp, chia sẻ Việt Nam còn nhiều sản phẩm chăn nuôi khác có sức cạnh tranh mạnh, ngoài gà đồi còn có ngựa bạch.

Ông Hoàng Triều - Chủ tịch Hiệp hội Sản xuất Kinh doanh Thuốc thú y

Ông Triều cho biết đây là những vật nuôi không gặp khó khăn về giống cũng như thức ăn chăn nuôi như những loài khác, mà lại có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, những người chăn nuôi như ông lại đang gặp khó khăn khác.

Những thách thức của ngành chăn nuôi

Ông Hoàng Triều cho biết việc thuế thuê đất tăng đang là yếu tố tác động đến tinh thần, khiến người chăn nuôi không yên tâm đầu tư vào chuồng trại và mua máy móc. Mặc dù Nhà nước đã có Luật đất đai, nhưng việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất vẫn còn khó khăn

Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, khó khăn lớn nhất của ngành này là hiện nay người nông dân không biết làm thị trường, chỉ biết có chăn nuôi chứ không biết bán ở đâu, thậm chí bán thời điểm nào thì được giá.

Đó còn là sự thiếu liên kết giữa người chăn nuôi với nhau và với doanh nghiệp, mà gốc gác là do tư tưởng làm ăn nhỏ lẻ, chưa tư duy liên kết để phát triển.

Ngoài ra còn có khó khăn lớn từ vấn đề thức ăn chăn nuôi. Theo báo cáo trong hội thảo, trong khi chi phí nhân công lao động cho người chăn nuôi rất thấp, chi phí thức ăn trong ngành chăn nuôi của Việt Nam chiếm tới 72-76% tổng giá thành.

Ông Đoàn Xuân Trúc cho rằng cần phải khống chế lợi nhuận của các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi cho phù hợp để gánh 1 phần chi phí cho người chăn nuôi. Ở Thái Lan, khống chế lợi nhuận tối đa của doanh nghiệp này ở mức 5%. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp quy định với nhau về giá, nhiều khi nhập giá nguyên liệu thấp đến 6-7 tháng, nhưng giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng hoặc không giảm. Đó là điều vô lý.

Ông Trúc còn cho biết có hiện tượng các doanh nghiệp đầu tư xong khấu hao rất nhanh, khiến giá thành bị đội lên. Ngoài ra, chi phí còn bị đẩy lên do các doanh nghiệp tổ chức mạng lưới khuyến mại, chi phí tiếp thị và đội ngũ dại lý rất nhiều.

Tại các nước khác, những trang trại lớn thậm chí tự đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi vì công nghệ sản xuất không khó, theo đó giảm được các khâu về bao bì, chi phí quản lý, các đại lý trung gian, nên giá thức ăn chăn nuôi thấp hơn vài chục phần trăm so với Việt Nam.

Theo ông Mai Thế Long, một cán bộ của tổ chức Oxfarm, các hộ chăn nuôi có thể phát triển các loại thức ăn thay thế bên cạnh thức ăn công nghiệp, như nuôi giun đỏ, nhái bén, lươn đỏ, những loại ấu trùng khác. Đây là những loài có cách nuôi rất đơn giản và sinh sản rất nhanh, đã được nuôi thí điểm rất thành công, có thể thay thế 1 phần thức ăn công nghiệp để giảm giá thành.