Trong phiên giao dịch ngày 14/10, giá dầu thô tại Sở Giao dịch hàng hóa New York sụt 4,5%, còn 81,84 USD/thùng, mức giá đóng cửa thấp nhất kể từ tháng 6/2012. Từ đầu tháng 6 tới nay, giá dầu đã giảm 20%. Một số nhà phân tích dự báo, giá dầu sẽ giảm thêm khoảng 10 USD/thùng nữa.
Theo tờ Wall Street Journal, đợt giảm giá mạnh mẽ này của dầu thô chính là sự chững lại của nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Hôm qua, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu cả năm 2014 xuống mức thấp nhất trong 5 năm.
Trong khi đó, sản lượng dầu của thế giới vẫn ở mức cao.
Về phần mình, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC), nhóm kiểm soát khoảng 1/3 nguồn cung dầu toàn cầu, lại không muốn kiềm chế sản lượng. Nước “anh cả” của nhóm là Saudi Arabia vẫn tập trung vào duy trì thị phần, còn Iran thì phát tín hiệu sẵn sàng chấp nhận mức giá dầu thấp hơn.
Kết quả là, giá bán lẻ xăng ở Mỹ đã giảm gần 15% từ cuối tháng 6 tới nay, xuống mức trung bình 3,17 USD/gallon vào ngày 15/10. Nhiều nhà phân tích dự báo giá xăng tại Mỹ sẽ giảm xuống 3 USD/gallon ở nhiều khu vực nếu giá dầu thô còn tiếp tục giảm.
Theo ước tính, cứ mỗi 1 cent giảm xuống trong giá của 1 gallon xăng đồng nghĩa người tiêu dùng Mỹ tiết kiệm được 1 tỷ USD tiền nhiên liệu mỗi năm. Giới phân tích cho rằng, mức tiết kiệm như vậy chưa phải là một cú huých lớn đối với kinh tế Mỹ, nhưng có ý nghĩa tích cực đối với các công ty Mỹ và các nhà sản xuất hàng hóa, dịch vụ ở nước này.
Tuy vậy, cũng có những chuyên gia cảnh báo rằng, ảnh hưởng nói chung của việc giá dầu giảm đối với kinh tế Mỹ và châu Âu sẽ là tiêu cực, bởi nguyên nhân chính của sự giảm giá này là sự trì trệ của nền kinh tế toàn cầu.
“Nếu Mỹ không có thị trường để xuất khẩu hàng hóa, thì đó sẽ là một mối nguy của nền kinh tế, cho dù người tiêu dùng có tiết kiệm được tiền mua xăng”, giáo sư kinh tế James Hamilton thuộc Đại học California nhận định.
Cũng trong phiên giao dịch ngày 14/10, giá dầu thô Brent tại thị trường London giảm 4,3%, còn 85,04 USD/thùng, gần thấp nhất trong 4 năm. Đây là phiên giảm giá mạnh nhất trong 1 ngày của giá dầu Brent kể từ tháng 9/2011.
Đối với những quốc gia mà nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu dầu, giá dầu giảm đồng nghĩa với tin xấu.
Theo một số chuyên gia, khủng hoảng chính trị có thể nổ ra ở Venezuela, quốc gia chủ yếu dùng nguồn thu từ xuất khẩu dầu để nhập khẩu hàng hóa tiêu dùng trong nước. Theo một báo cáo của ngân hàng Deutsche Bank, Venezuela cần mức giá dầu trên 120 USD/thùng để cân bằng ngân sách.
Chính phủ của Tổng thống Nicolas Maduro hiện đang vật lộn với đồng nội tệ mất giá, dự trữ ngoại hối dần cạn, và tình trạng thiếu thốn mọi mặt hàng từ tã bỉm trẻ em, giấy toilet, thuốc chữa bệnh cho tới phụ tùng ôtô.
Theo nhận định của giới phân tích, tình hình của Venezuela sẽ càng trở nên bi đát nếu giá dầu thô lập thêm đáy mới. Ngay từ khi giá dầu giảm về sát mức 100 USD/thùng trong năm nay, người Venezuela đã đổ ra đường biểu tình để phản đối sự quản lý yếu kém của Chính phủ đối với nền kinh tế.
Nga cũng bị xem là một “nạn nhân” lớn của tình trạng giá dầu giảm mạnh. Ngày 14/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin thừa nhận ngân sách quốc gia đang “chịu sức ép” vì giá dầu giảm. Ngân hàng Trung ương Nga hiện đang lên kịch bản ứng phó cho “kịch bản sốc” trong trường hợp giá dầu giảm về mức 60 USD/thùng. Xuất khẩu dầu thô và khí đốt đóng góp khoảng một nửa ngân sách Nga.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, giá dầu giảm có thể “giết chết” tốc độ tăng trưởng kinh tế vốn dĩ đã ì ạch của Nga. Theo dự báo, kinh tế Nga sẽ tăng trưởng không quá 0,5% trong năm nay. Chuyên gia kinh tế trưởng Evgeny Nadorshin của tập đoàn Nga AFK Sistema, nhận định, nền kinh tế Nga sẽ bắt đầu suy giảm từ cuối năm nay nếu giá dầu còn ở mức dưới 90 USD/thùng.
Các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp của Nga cho rằng, Saudi Arabia, quốc gia thân Mỹ và có ảnh hưởng lớn nhất trong OPEC, đang cố tình đẩy giá dầu thô đi xuống để đánh vào nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu năng lượng của Nga. Bị cho tiếp tay cho lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, Nga đang hứng chịu những đòn trừng phạt kinh tế nặng nề từ Mỹ và châu Âu.
Phát biểu trên truyền hình nhà nước Nga hồi tuần trước, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Nga Alexei Kudrin nói rằng, có thể đang tồn tại “một dạng thỏa thuận giữa Mỹ và các nước Trung Đông nhằm tăng sản lượng dầu để giữ giá ở mức thấp”.
Những tuyên bố này tương tự như những giả thiết của Nga từng đưa ra về sự sụt giảm của giá dầu vào thập niên 1980 - sự sụt giảm mà các nhà sử học tin là có vai trò trong sự tan rã của Liên bang Xô viết.