Nga mất dần kiểm soát trên thị trường khí đốt Châu Âu

(NDH) Giá dầu không còn là vẫn đề duy nhất mà Nga quan tâm. Quốc gia xuất khẩu năng lượng này đang mất dần vị thế thống trị trên thị trường khí đốt Châu Âu.

Trong quá khứ, có 2 yếu tố giúp Nga trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn: các chính sách đối với thị trường Châu Âu và mùa đông khắc nghiệt tại khu vực này. Tuy nhiên, mọi thứ đã thay đổi và Nga đang bắt đầu tìm kiếm những thị trường ngoài Phương Tây.

Động thái dũng cảm của Châu Âu

Năm 2009, Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua Kế hoạch tổng thể về Năng lượng lần thứ 3 (TEP), trong đó quy định Nga không được sở hữu hoặc kiểm soát các đường ống dẫn dầu trên lãnh thổ EU.

Theo tờ Economist, EU đã thay một bên trung gian quốc tế mới trong việc giao dịch khí đốt, vì vậy nếu Nga cắt giảm lượng cung khí đốt thì những quốc gia bị ảnh hưởng trong EU vẫn có thể nhận khí đốt từ những nhà cung cấp khác thông qua bên trung gian này.

Đây là một động thái mạnh của EU vì trước đây Nga thường cắt giảm khí đốt nhằm trừng phạt một quốc gia nào đó.

Lượng cung cấp khí đốt cho Ucraina đã bị cắt giảm trong 6 tháng của năm 2014, cũng như trong năm 2006 và 2009. Còn Latvia và Lithuania đã bị trừng phạt bởi Mátxcơva vì đã đối xử không công bằng với người Nga thiểu số tại các quốc gia này hay do đã trao các hợp đồng lọc dầu, xây dựng nhà máy cho các công ty Châu Âu hơn là các công ty của Nga.

Theo tờ Economist, Lithuania đã bắt đầu nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng từ Na Uy, Ucraina thì đang nhập khẩu khí đốt ngày một nhiều hơn từ Phương Tây. EU đã đứng ra làm trung gian thỏa thuận về các khoản nợ và giá cả giữa Ucraina và Nga, điều này khiến nguồn cung khí đốt cho Ucraina sẽ tiếp tục được duy trì ít nhất đến quý 1/2015.

Đỉnh điểm của việc này là tháng 12/2014 khi Nga buộc phải hủy dự án Dòng chảy Phương Nam, cung cấp khí đốt sang thị trường Châu Âu mà không đi qua Ucraina, do thiếu nguồn vốn đầu tư.

Đường ống dẫn khí đốt tại EU

Quyền lực kiểm soát dòng khí đốt của Nga trong quá khứ

Cuối tháng 11 năm ngoái, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc nhở thế giới rằng mùa đông đang đến và ông chắc chắn rằng thị trường khí đốt sẽ hồi phục trở lại trong quý 1/2015 hoặc vào giữa năm.

Tổng thống Nga muốn nhắc nhở rằng thời tiết giá lạnh là một tin tốt cho kinh tế Nga bởi Châu Âu sẽ phải nhập khẩu thêm dầu mỏ và khí đốt từ Nga.

Chủ tịch David Kotok của Cumberland Advisors cho biết áp lực từ thời tiết giá lạnh sẽ cho phép Nga, vốn là nhà cung cấp năng lượng chính cho Châu Âu, áp dụng các biện pháp trừng phạt. Các biện pháp này có thể bao gồm nâng giá bán, giảm lượng cung cấp, hoặc kết hợp cả hai, hoặc đàm phán để trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng đến những chi phí phát sinh.

Nga là nhà cung cấp 1/3 lượng khí đốt cho EU. Do Nga đóng vai trò to lớn trong thị trường khí đốt tại đây nên quốc gia này có thể đặt ra mức giá bán cao.

Tuy nhiên, tờ Economist cho biết mùa đông năm nay tại EU dễ chịu một cách bất thường, ngay cả khi Nga đã cố gắng làm gián đoạn nguồn cung cấp thì hiệu ứng đối với khu vực Eurozone khá khiêm tốn.

Kế hoạch tương lai của Nga nằm ngoài Châu Âu

Nga hiện đã công khai hợp tác trên lĩnh vực năng lượng và quân sự với một số quốc gia ngoài EU, đáng chú ý trong đó là Trung Quốc và Ấn Độ.

Tháng 5/2014, tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và CNPC của Trung Quốc đã ký một hợp đồng lịch sử với thời hạn 30 năm, trong đó Nga sẽ cung cấp khí đốt cho Trung Quốc.

Đường ống dẫn khí đốt Nga-Trung

Gần cuối năm 2014, Tổng thống Putin đã có cuộc gặp với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, qua đó cam kết một số hợp đồng về năng lượng, đồng thời Nga cũng mời Ấn Độ hợp tác tại các dự án ở Bắc Cực.

Ông Putin cho biết những công ty lớn của Nga như Rosneft và Gazprom cùng các công ty Ấn Độ đang chuẩn bị những dự án cho việc phát triển khu vực Bắc Cực thuộc Nga cũng như cho sự mở rộng khai thác khí đốt hóa lỏng tại đây.