Ảnh minh họa |
Tuyến đường ống dẫn khí mới, nếu được Nga chấp nhận, có thể là một thay thế tốt cho tuyến đường ống "Altai" vốn đã gây nên quá nhiều tai tiếng, khi mà Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) phản đối từ lâu.
Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt quốc tế Altai chạy qua cao nguyên vùng núi cao kỳ quan Ukok ở khu vực Kosh-Agach của nước Cộng hòa Altai (thuộc Nga) có khả năng gây tổn hại cho khu vực này. Cao nguyên được đã được đưa vào danh sách Di sản thiên nhiên thế giới. Các chuyên gia UNESCO cho rằng cần phải tìm kiếm phương án thay thế cho tuyến đường ống dẫn khí đốt để bảo tồn khu vực kỳ quan Ukok.
Moskva đã đề nghị đối tác trong Liên minh kinh tế Á-Âu (EAEC) nghiên cứu vấn đề này từ hai năm qua. Và trong trường hợp dự án này được cả Nga và Trung Quốc chấp thuận, đó sẽ là một điều kiện thuận lợi giúp bảo đảm ổn định chính trị ở Kazakhstan. Đây cũng chính là mục tiêu mà Astana hướng tới khi đề xuất sáng kiến xây dựng tuyến ống dẫn khí mới từ Tây Siberia sang Trung Quốc thông qua Kazakhstan.
Tuy nguồn tin cho biết dự án này cần được Nhóm công tác nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, song theo kế hoạch, tuyến đường ống dẫn mới có thể vượt qua lãnh thổ Kazakhstan qua thủ đô Astana, khu vực Khorgos hoặc Alashankow và dẫn sang Trung Quốc.
Trong khi đó, lãnh đạo Hiệp hội Kế hoạch chiến lược Dịch vụ hợp tác giữa các khu vực biên giới của Nga, ông Alexander Sobyanin cũng bày tỏ tin rằng con đường tốt nhất để đưa khí đốt từ Nga sang Trung Quốc là từ Tây Siberia sang Trung Quốc quá cảnh lãnh thổ Kazakhstan.
Ông Sobyanin cho biết thêm, trong khi Kazakhstan đang dần để mất lòng tin trong các đồng minh Á-Âu, thì dự án trên càng có ý nghĩa hơn với Astana. Nhà lãnh đạo này khẳng định: "Đường ống dẫn khí từ Tây Siberia sang Trung Quốc đi qua Kazakhstan là một dự án chiến lược, và đây không phải là một tuyến đường ống thông thường. Tuy nhiên, tại một khu vực nhạy cảm như vậy, Nga không có quyền chấp thuận những dự án mà tỷ lệ khả thi thấp, và cũng không được phép để phụ thuộc quá lớn vào Kazakhstan". Trước đó, mặc dù hợp đồng cung cấp khí đốt khổng lồ từ Nga sang Trung Quốc chỉ bị "tắc" đúng trong lĩnh vực vận chuyển, song Nga cũng đã phải chấp nhận quyết định dừng vô thời hạn việc xây tuyến đường ống Altai. Một vùng đất không những thuộc danh sách di sản thiên nhiên thế giới, mà còn được mệnh danh là vùng đất thiêng của người dân Altai, và UNESCO cũng đã khuyến cáo Nga không nên để lợi ích kinh tế vượt lên tất cả.
Trong thời gian hai năm qua, khi tuyến đường ống Altai bị đình trệ và Nga không tìm ra lối thoát, việc Kazakhstan giúp nước này "khơi thông" dòng chảy sang châu Á thực sự có ý nghĩa nhất định. Có thể nói tình hình đã thay đổi.
Giờ đây, không chỉ Nga, Trung Quốc và Kazakhstan bày tỏ hy vọng vào dự án mới này, mà tuyến đường ống, sau khi được thực hiện, theo đánh giá của các nhà chức trách và giới chuyên môn, nó không chỉ mang lại các lợi ích kinh tế, mà còn đóng vai trò chính trị hết sức quan trọng. Trước tiên là đối với Astan, mà theo lời ông Sobyanin rằng: "Nga và Trung Quốc đương nhiên có chung quan điểm và sẽ thực sự quan tâm tuyến đường ống quá cảnh Kazakhstan. Và thực tế này sẽ giúp bảo đảm ổn định chính trị tại quốc gia này".