Phó Chủ tịch Năng lượng của Ủy ban Châu Âu Maros Sefcovic cho rằng quyết định trên không dựa trên bất kỳ lợi ích kinh tế nào.
Dự án đường ống dẫn khí đốt qua Thổ Nhĩ Kỳ
Nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới Gazprom đang có kế hoạch vận chuyển 63 tỷ mét khối khí đốt của Nga qua một đường ống nằm dưới Biển Đen tới Thổ Nhĩ Kỳ thay vì vận chuyển thông qua Ucraina như thường lệ. Khoảng 40% sản lượng xuất khẩu khí đốt của Nga sang Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ đang được vận chuyển qua các đường ống tại Ucraina, vốn được xây dựng từ thời Xô Viết.
Năm ngoái, Nga đã từ bỏ kế hoạch xây đường ống dẫn khí đốt qua Bulgaria, vì muốn bỏ qua Ucraina, trong tình tình căng thăng lên cao với EU. Quan hệ giữa Nga, vốn cung cấp 30% lượng khí đốt cho Châu Âu, với EU đã xuống mức thấp nhất kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh do Tổng thống Nga Vladimir Putin ủng hộ lực lượng ly khai tại Ucraina.
Phó Chủ tịch Sefcovic cho biết ông rất ngạc nhiên với quyết định của tập đoàn Gazprom liên quan đến đường ống dẫn khí đốt tại Thổ Nhĩ Kỳ và bỏ qua Ucraina bởi đường ống dẫn trên không phù hợp với hệ thống khí đốt của EU.
Hệ thống đường ống khí đốt của Nga sang EU
Tuy nhiên, quyết định này của Nga hoàn toàn hợp lý khi Nga đang dần mất sự kiểm soát tại thị trường khí đốt EU do những thay đổi về chính sách năng lượng tại khu vực này và mùa đông đang dần trôi qua.
Hiện tại, EU buộc phải chấp nhận kế hoạch đường ống dẫn khí của Nga qua Thổ Nhĩ Kỳ nếu không sẽ bị mất nguồn cung khí đốt.
Người đứng đầu Gazpromp Alexei Miller cho biết ông đã thông báo kế hoạch này đến đối tác EU và nhiệm vụ của họ là phải thiết lập một đường ống khí đốt giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.
Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch trên sẽ tiêu tốn khoản kinh phí bao nhiêu từ Nga hoặc EU, nhưng chắc chắn là Thổ Nhĩ Kỳ sẽ được hưởng lợi khi được hưởng 6% mức giảm giá nhập khẩu khí đốt trong năm 2015 như đã đề ra trong bản kế hoạch này.
Theo trang Business Insider, chính phủ Nga sẽ sử dụng nguồn vốn và nguyên vật liệu vốn được dùng cho xây dựng dự án Dòng chảy Phương Nam để xây dựng dự án đường ống dẫn khí đốt qua Biển Đen này. Bên cạnh đó, Nga cũng đang tìm kiếm những đối tác ngoài EU, chẳng hạn như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Dự án đường ống khí đốt Nga-Trung
Trước đây, Nga thường sử dụng khí đốt như một biện pháp trừng phạt khi cắt giảm lượng cung khí đốt cho những nước có chính sách đối lập với Nga tại EU.