NCIF: Giá dầu giảm, nới lỏng tiền tệ cũng không sợ lạm phát

NCIF: Giá dầu giảm, nới lỏng tiền tệ cũng không sợ lạm phát

(NDH) TS. Lương Văn Khôi nhận định khả năng giá dầu tiếp tục giảm là hơi khó. Tuy nhiên, theo phán đoán sẽ dao động trong khoảng 50-56 USD trong năm 2015. Với giá dầu như thế, sẽ tăng trưởng 5,5-5,7% và lạm phát ở mức khoảng 2,7%, dư địa chính sách tiền tệ là rất lớn.

Trao đổi với báo giới bên lề buổi Tọa đàm về Biến động giá dầu và tác động đến kinh tế Việt Nam sáng ngày 6/2, TS. Lương Văn Khôi, Trưởng ban Kinh tế thế giới, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF)
cho biết theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Mỹ (EIA), giá dầu thế giới sẽ ở mức trung bình 56,88 USD/thùng trong năm nay, cũng là mức tương đối sát với dự báo của IMF là 56,6 USD.

Tuy nhiên, do biến động về chính trị và tình trạng phát triển công nghiệp dầu đá phiến hiện nay của Mỹ, ông Khôi cho rằng giá dầu có xu hướng giảm tiếp.

Ông đưa ra 3 kịch bản cho giá dầu thế giới, tương ứng với 3 mức giá hòa vốn của các khu vực chủ chốt, trong đó 50 USD là theo mức hòa vốn của giá dầu đá phiến Mỹ, 40 USD là mức giá chung của khai thác dầu tuyền thống, và mức 30 USD là mức hòa vốn của Ảrập Xêut – nước có thế mạnh và quyền lực lớn nhất trong OPEC.

Tiến sĩ Lương Văn Khôi - Trưởng ban kinh tế thế giới (NCIF)

Được hỏi kịch bản nào có khả năng xảy ra nhất, TS. Khôi nhận định: “Khả năng giá dầu tiếp tục giảm là hơi khó. Tuy nhiên, theo phán đoán của tôi, nó sẽ dao động trong khoảng 50-56 USD trong năm 2015.”

Dựa theo dự báo của EIA là giá dầu sẽ ở mức 56,88 USD trong năm 2015, ông Khôi cho biết NCIF sử dụng mô hình kinh tế lượng toàn cầu tính toán ra rằng kinh tế Việt Nam (cập nhật đến tháng 1/2015) sẽ tăng trưởng 5,5-5,7% và lạm phát ở mức khoảng 2,7%.

Với tính toán đó, TS.Khôi cho rằng: “Hiện nay Việt Nam có không gian chính sách rất lớn, đặc biệt là khi lạm phát năm nay chỉ có 2,7% theo dự báo của tôi. Chúng ta có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhiều hơn để kích thích tăng trưởng kinh tế mà vẫn đảm bảo mức lạm phát an toàn trong mục tiêu đề ra là 5%.”

Trước đó, trong bài trình bày tại buổi tọa đàm, TS. Khôi cho biết giá dầu giảm có tác động 2 chiều đến Việt Nam. Về mặt thu ngân sách, với kịch bản giá dầu ở mức 50 USD, tổng mức thu thuế của Chính phủ dự kiến sẽ giảm 3.137 tỷ đồng, dự trữ ngoại hối giảm 0,477 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng việc hụt thu mấy nghìn tỷ đồng đó có thể bù đắp được bằng các khoản khác. Ngoài ra, giá dầu giảm có thể khiến giá nguyên liệu, giá kim loại, giá sản phẩm nông nghiệp, giá thực phẩm giảm xuống, dẫn đến giá đầu vào trong nước giảm, theo đó sẽ kích thích tiêu dùng và đóng góp cho tăng trưởng, cuối cùng làm tăng thu thuế và thu của Chính phủ.

Thêm vào đó, khi các nền kinh tế thế giới được cải thiện, như Mỹ, EU, Nhật Bản – các đối tác kinh tế lớn và quan trọng của Việt Nam – thì xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường này sẽ tăng lên.

“Về tổng thể mà nói, nó sẽ có lợi cho nền kinh tế Việt Nam,” ông nói.

Và với kịch bản giá dầu ở mức 50 USD, GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng thêm 0,78 điểm phần trăm. Con số này sẽ là 0,91 điểm phần trăm nếu giá dầu ở 40 USD và 1,04 điểm phần trăm nếu dầu ở mức 30 USD.

Trong trường hợp giá dầu xuống tận 30 USD/thùng, ông Khôi đánh giá kinh tế Việt Nam sẽ vẫn được cải thiện nếu chạy theo mô hình kinh tế lượng, và cho rằng những giếng dầu khai thác trên 30 USD có thể dừng lại, hoặc Việt Nam nên mua tích trữ dầu.

Cũng đưa ra khuyến nghị của mình về chính sách xăng dầu, ông Khôi cho rằng giá xăng dầu thành phẩm hiện nay hiện thấp hơn nhiều nước, chỉ cao hơn Indonesia hay Malaysia là những nước có bù giá xăng dầu, trong khi thấp hơn rất nhiều so với Campuchia, Lào, Trung Quốc… Cho nên, nếu tiếp tục hạ giá xuống, xăng dầu có nguy cơ bị tuồn ra bên ngoài và gây ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.