Nâng tầm cho cá tra Việt Nam 

Toàn bộ lợi nhuận rơi vào khâu trung gian nước ngoài, chứ doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi.

Việt Nam đang đứng đầu thế giới về khai thác và xuất khẩu cá tra. Điều này, theo ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội là rất đáng tự hào, nhưng để giữ vững được ngôi vị quán quân về xuất khẩu cá tra, phải thực hiện triệt để Nghị định 36/2014/NĐ-CP và Nghị định 67/2014/NĐ-CP.

Cá tra là một trong số rất ít mặt hàng được Chính phủ ban hành hẳn một nghị định với đầy đủ các cơ chế, chính sách phát triển. Theo ông, vì sao Chính phủ đặc biệt quan tâm đến loài cá da trơn này?

Ông Huỳnh Văn Tiếp, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Cần Thơ, ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 đặt ra mục tiêu đến năm 2015, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 3,6 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 - 4 tỷ USD, giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.

Đến năm 2020, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 4,5 triệu tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 5 - 5,5 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 3,5 triệu người. Trong lĩnh vực thủy sản, sản lượng cá tra nuôi trồng phải đạt 1,5 - 2 triệu tấn (chủ yếu dành để xuất khẩu) với tốc độ tăng trưởng 4,8%/năm.

Như vậy, Chính phủ đã đặt ngành nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra là xương sống của lĩnh vực thủy sản với nhiệm vụ phải phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sức cạnh tranh cao và phát triển bền vững; trở thành ngành sản xuất chủ lực cung cấp nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho nông, ngư dân, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Chính vì vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra.

Trên thị trường thế giới, sản phẩm cá tra của Việt Nam có thể nói là "vô đối". Chúng ta có thể giữ ngôi vị quán quân về xuất khẩu cá tra trong bao lâu nữa, thưa ông?

Điều kiện thiên nhiên, thời tiết, môi trường ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rất lý tưởng cho việc nuôi cá tra. Sản phẩm cá tra được người tiêu dùng nhiều nước trên thế giới ưa chuộng, đặc biệt là EU và Mỹ. Nhưng cũng chính vì thị trường rất rộng mở, nên nhiều nước gần đây bắt đầu quan tâm tới việc nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm loài cá da trơn này. Vì vậy, nếu mình không có chiến lược phát triển với đầy đủ cơ chế, chính sách hỗ trợ, bảo vệ thương hiệu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thì ngôi vị quán quân sẽ rơi vào tay nước khác.

Có giữ được ngôi vị số 1 thế giới về xuất khẩu sản phẩm cá tra hay không, theo tôi, không quan trọng, mà quan trọng là phải phát triển vững chắc, giữ vững được thị trường xuất khẩu, bảo đảm lợi nhuận hợp lý cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu và phải bảo đảm thu nhập cho người nông dân nuôi giống cá này.

Có nhiều lợi thế phát triển, nhưng trên thực tế, người nuôi, doanh nghiệp chế biến - xuất khẩu cá tra liên tục lao đao, nhiều thời điểm người dân "treo ao", còn doanh nghiệp càng xuất khẩu càng thua lỗ. Vì sao vậy?

Nhiều lần, tôi đi khảo sát tại siêu thị nước ngoài và rất bất ngờ khi được biết giá cá tra bán lẻ thấp nhất cũng lên tới 9-10 USD/kg, trong khi đó giá cá tra mà người nông dân Việt Nam bán cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu mặc dù đã tăng so với trước, nhưng hiện cũng chỉ vào kkhoảng 21.000 - 22.000 đồng/kg (khoảng 1 USD), tức là vẫn chưa có lãi, thậm chí còn bị lỗ.

Toàn bộ lợi nhuận rơi vào khâu trung gian nước ngoài, chứ doanh nghiệp Việt Nam không được hưởng lợi.

Lý do là, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong nước tự cạnh tranh với nhau, giành giật thị trường của nhau bằng mọi giá, kể cả bán dưới giá thành, nên bị phía nước ngoài ép giá và kết quả là cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều bị thiệt hại.

Làm gì để khắc phục được những hạn chế kể trên, thưa ông?

Nhược điểm lớn nhất của lĩnh vực thủy sản là tình trạng doanh nghiệp "mua tranh, bán cướp"; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu; và ổn định được nguồn thức ăn chăn nuôi.

Để tránh tình trạng cá tra xuất khẩu bị ép giá do nguồn cung quá lớn, Chính phủ đã quy định rất cụ thể về quy hoạch nuôi, chế biến; điều kiện chế biến, xuất khẩu; điều kiện về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt là quy định doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm cá tra ngoài đáp ứng đủ điều kiện còn phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội Cá tra Việt Nam, nếu không sẽ không được thông quan.

Những quy định kể trên sẽ chấm dứt được tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh bất bình đẳng dẫn tới phá giá thị trường xuất khẩu, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và không để nguồn cung nguyên liệu vượt quá nhu cầu của thị trường xuất khẩu như nhiều loại hàng hóa nông sản khác.

Còn người nuôi trồng thì sao, liệu họ có được hưởng lợi từ những chính sách này?

Khi làm chủ được đầu ra và đầu vào, bảo đảm được chất lượng sản phẩm, thì người nuôi cá tra cũng được hưởng lợi. Tôi đặc biệt đánh giá cao Nghị định 36/2014/NĐ-CP giao Hiệp hội Cá tra Việt Nam ít nhất mỗi năm 2 lần công bố giá sàn cá tra nguyên liệu và kịp thời điều chỉnh phù hợp với diễn biến của thị trường trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Tài chính về phương pháp tính giá thành cá tra nguyên liệu.

Để giữ vững ngôi vị số 1 thế giới về chế biến, xuất khẩu cá tra, theo tôi, cần phải thực hiện triệt để các quy định kể trên. Ngoài ra, phải có chính sách phát triển nguồn nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi và thực hiện triệt để các cơ chế, chính sách ưu đãi thuế, tín dụng, đầu tư… được quy định tại Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản vừa có hiệu lực từ ngày 25/8/2014.