Năm 2016 sẽ có thị trường bán buôn điện cạnh tranh?

Năm 2016 sẽ có thị trường bán buôn điện cạnh tranh?

Thị trường phát điện cạnh tranh hiện vẫn chưa hoàn toàn hoàn chỉnh. Vậy nên, cần tiếp tục hoàn chỉnh thị trường phát điện cạnh tranh cho những cấp độ phát triển sau này.

Thêm nhiều đối tượng được tham gia

Ngày 25-3, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo thiết kế chi tiết thị trường bán buôn điện cạnh tranh lần 2. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, việc triển khai thị trường bán buôn điện cạnh tranh vào cuối năm 2015 là thực hiện đúng lộ trình được quy định trong Luật Điện lực và Quyết định 63/2013/QĐ-TTg của Chính phủ quy định về lộ trình, các điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam.

Theo Quyết định 63, thị trường điện cạnh tranh được thực hiện theo 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (được thực hiện đến hết năm 2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (từ 2015-2021) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh (từ 2021 và sau 2023 thực hiện thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh).

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, nếu trong thị trường phát điện cạnh tranh mới có khoảng trên 50% số lượng các nhà máy điện tham gia thị trường thì sang thị trường bán buôn dự kiến sẽ bao gồm hầu hết các đơn vị phát điện tham gia chào giá trên thị trường.

Tất cả 5 tổng công ty điện lực (GENCO) và các khách hàng lớn đủ điều kiện sẽ có cơ hội tham gia thị trường bán buôn điện, được tự do lựa chọn đối tác ký hợp đồng hoặc mua bán điện trên thị trường điện giao ngay.

Ông Tuấn cho biết thêm: "Đối với thị trường bán buôn điện cạnh tranh, đối tượng tham gia thị trường là tất cả các nhà máy điện trên 30 MW. Chúng tôi có cơ chế khuyến khích các nhà máy thủy điện dưới 30 MW đáp ứng yêu cầu kỹ thuật để tham gia".

Để tham gia thị trường, các đơn vị phát điện cần tập trung đầu tư nhà máy, cơ sở hạ tầng tham gia thị trường điện. Bộ Công Thương sẽ phê duyệt và thiết kế tổng thể cơ sở hạ tầng cho các nhà máy triển khai xây dựng, tham gia thị trường điện; xây dựng chương trình nâng cao năng lực cán bộ, nhân viên đáp ứng yêu cầu khi tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh.

Theo đánh giá của ông Trần Đình Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam, "khách hàng lớn có thể tham gia thị trường bán buôn điện cạnh tranh" là điểm mới của dự thảo lần này. Còn tiêu chí đối với khách hàng lớn như thế nào thì sau này Cục điều tiết điện lực sẽ đưa ra.

"Nhưng xu thế chung, tiêu chí khách hàng lớn càng ngày người ta làm càng dễ, tức với công suất bé hơn cũng được xem là khách hàng lớn. Hiện nhà máy 30 MW trở lên mới được tham gia nhưng trong tương lai tiêu chí này có thể giảm thấp, 20MW hoặc 15MW. Càng nhiều đối tượng tham gia thị trường thì vấn đề quản lý càng phức tạp cho nên còn phụ thuộc vào cơ sở kỹ thuật, hạn tầng kỹ thuật có đảm bảo cho nhiều đối tượng tham gia cùng một lúc", ông Long nói.

Hoàn chỉnh thị trường phát điện cạnh tranh

Trên thực tế, thị trường phát điện cạnh tranh theo đánh giá của ông Long chưa hoàn toàn hoàn chỉnh, vẫn còn nhiều việc phải làm.

Ví dụ, thị trường phát điện cạnh tranh đã thành lập được các GENCO nhưng bây giờ quan hệ của GENCO với từng nhà máy thành viên trong mỗi GENCO như thế nào trong quá trình cạnh tranh phát điện cũng chưa được rõ ràng, chào giá theo GENCO hay từng nhà máy điện cụ thể?...

"Nếu từng nhà máy trực tiếp tham gia trực tiếp cạnh tranh thì tôi cũng không thấy rõ vai trò của GENCO làm gì trong quá trình này", ông Long đặt câu hỏi và kiến nghị "nên tiếp tục hoàn chỉnh thị trường phát điện cạnh tranh cho những cấp độ phát triển sau này".

Do vậy, theo ông Trần Đình Long, "nếu khẩn trương thực hiện, may lắm thị trường bán buôn điện cạnh tranh sẽ thực hiện được theo lộ trình của Chính phủ, tức 2016 mới bắt đầu thử nghiệm bán buôn điện cạnh tranh".

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, tái cơ cấu ngành điện được coi là bước đi cơ bản để hình thành thị trường điện bán buôn cạnh tranh thí điểm vào năm 2015, trong đó, cổ phần hóa 3 GENCO thuộc Tập đoàn điện lực Việt Nam là yêu cầu đầu tiên.

Tuy nhiên, ông Long cho rằng, cổ phần hóa cũng chỉ là một cách, không nhất thiết là phải cổ phần hóa xong rồi mới cạnh tranh được. Ví dụ, những công ty phát điện thuộc chủ sở hữu khác nhau thì những chủ sở hữu ấy có thể tham gia cạnh tranh quyết liệt vì họ quản lý tài chính kinh tế khác nhau.

Còn theo ý kiến của ông Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), "nút thắt" trong việc cổ phần hóa 3 GENCO là do: Quy mô vốn, tài sản của 3 tổng công ty này quá lớn nên khi cổ phần hóa, không có nhà đầu tư chiến lược nào có khả năng hấp thụ được số vốn này; hiệu quả đầu tư còn hạn chế; cơ cấu bộ máy chưa hợp lý và nguồn nhân lực thiếu.

Hơn nữa, hiệu quả hoạt động của EVN hạn chế, nguồn nhân lực kém mới là nguyên nhân dẫn tới khó cổ phần hoá nhanh… Nếu đổ cho khó khăn cổ phần hoá là do giá điện thấp cần xem xét lại và chưa thỏa đáng.