Năm 2015: Đường trong nước "ế" vẫn phải nhập khẩu 81.000 tấn

(NDH) Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) dự báo trong năm 2014-2015 sẽ có khoảng 2 triệu tấn đường được xuất ra thị trường, chưa kể đường tồn kho, đường nhập lậu...trong khi đó dự báo mức tiêu thụ chỉ ở mức 1,3-1,4 triệu tấn.

Nông dân đốt bỏ ruộng mía vì không bán được. Ảnh VnExpress

Trong khi lượng đường tồn kho rất lớn, giá giảm vậy tại sao Việt Nam vẫn quyết định nhập khẩu 81.000 tấn đường?

Mía đường và điệp khúc ế

Lâu nay ngành mía đường đã quá quen với vấn nạn tồn kho. Điệp khúc "ế" luôn khiến các doanh nghiệp trong nước đau đầu bên cạnh hàng loạt các vấn đề khác ngổn ngang: đường nhập lậu lấn át sản xuất trong nước, giá cả không ổn định, nhiều doanh nghiệp thấy lợi trước mắt chuyển sang nhập khẩu đường về bán thay vì sản xuất...

Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNN) cho biết tính đến tháng 12/2015 đã có 34/41 doanh nghiệp mía đường đi vào hoạt động, các nhà máy đã ép được 2,5 triệu tấn mía, sản xuất được 201 tấn đường. So với năm 2013 sản lượng đường giảm gần 66 nghìn tấn.

Về lượng đường tồn kho, hiện lượng đường tồn kho tại các nhà máy đạt 173 nghìn tấn, cao hơn cùng kì năm trước hơn 6 nghìn tấn.

Bộ NN&PTNN cũng đưa ra dự báo năm 2015 Việt Nam tiếp tục tồn kho 481.000 tấn đường.

Trong khi đó, dự báo của VSSA còn cho biết trong năm 2015 tổng nguồn cung đường ra thị trường là gần 2 triệu tấn với năng lực tiêu thụ chỉ đạt 1,3-1,4 triệu tấn. Như vậy Việt Nam tiếp tục dư cung khoảng 600.000 tấn đường nữa.

Giữa lúc lượng đường tồn kho lớn thì đầu tháng 1/2015, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương phải có phương án công khai, minh bạch và tạo sự công bằng giữa các doanh nghiệp và thống nhất lượng hạn ngạch thuế quan công bố là 81.000 tấn.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2014, Bộ Công Thương đã đề xuất lên Chính Phủ cho nhập 50.000 tấn đường từ Lào với thuế suất 0% bởi trong đàm phán Hiệp định thương mại giữa hai nước phía Lào đã đề xuất yêu cầu này.

Thông tin này làm phía các doanh nghiệp, hiệp hội mía đường lo lắng bởi giá cả mía đường giảm, đường nhập gia tăng trong khi đó sản xuất đình đốn, tồn kho hiện đang rất lớn và mức dự báo cũng không khả quan. Trong khi đó, hình ảnh người nông dân Tiền Giang vì quá chán cây mía đã đốt bỏ cả ruộng mía để kết thúc chuỗi ngày ế ẩm khiến nhiều nhiều người ám ảnh.

Như vậy, việc cho nhập khẩu 81.000 tấn đường trong năm 2015 vô hình chung đẩy doanh nghiệp nội vào thế khó.

Buộc phải nhập!

Theo cam kết WTO, Việt Nam phải cấp hạn ngạch nhập 50.000 tấn đường từ năm 2007 và tăng thêm mỗi năm 5%. Như vậy tới năm 2015, Việt Nam sẽ phải nhập 81.000 tấn đường.

Bày tỏ quan điểm về vấn đề đường trong nước ế mà vẫn phải nhập, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Việt Nam buộc phải nhập khẩu đường theo cam kết khi gia nhập WTO và mức thấp nhất là nhập 81.000 tấn đường.

"Khi gia nhập WTO, Việt Nam được hưởng lợi rất nhiều. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế đó, Việt Nam cũng phải thực hiện một số cam kết, trong đó có cam kết hàng năm phải nhập khẩu lượng đường tối thiểu. Do đó, dù hiện nay còn có tồn kho về mặt hàng đường trong nước, sau khi thống nhất với Bộ NN&PTNN, Bộ Tài chính và sự đồng thuận của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, Bộ Công Thương đã ban hành thông tư công bố lượng hạn ngạch thuế quan đường nhập khẩu năm 2015 là 81.000 tấn, đúng bằng mức tối thiểu cam kết WTO", Thứ trưởng Hải nói.

Như vậy, việc nhập khẩu 81.000 tấn đường cộng với số đường tồn kho hiện tại và mức dự báo tồn kho 600 nghìn tấn trong năm 2014 thì tổng số tồn kho đường là vô cùng lớn. Điều này gây khó cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Vì vậy, các doanh nghiệp mía đường nội phải đẩy mạnh việc xuất khẩu đường ra thế giới.

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, về xuất khẩu đường, nước ta đang xuất khẩu một lượng đường lớn sang thị trường Trung Quốc. Bộ Công Thương đã giao các đơn vị thuộc Bộ, phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành, địa phương… tìm biện pháp mở rộng thị trường xuất khẩu đường của Việt Nam để không quá phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.

Bộ Công Thương cũng đang khuyến khích và tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu đường sang nhiều thị trường khác với điều kiện việc xuất khẩu này đảm bảo đúng với cam kết song phương, tuân thủ các cam kết của quốc tế, cam kết xuất nhập khẩu giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ…