Giá chào bán của Thái Lan giảm, Việt Nam tăng
Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, trong năm 2014, giá chào bán gạo xuất khẩu của cả Thái Lan và Việt Nam đều liên tục giảm trong 6 tháng đầu năm, sau đó tăng trong tháng 7 và tháng 8, rồi giảm trở lại từ tháng 9.
Tính chung cả năm 2014, giá chào bán gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm, còn giá chào bán gạo của Việt Nam lại tăng và vượt mức chào bán của Thái Lan.
Cụ thể, tại Thái Lan, giá chào bán gạo xuất khẩu loại 5% tấm phổ biến ở mức 370-445 USD/tấn, giảm 35-135 USD/tấn so với năm 2013; loại 25% tấm phổ biến ở mức 350-400 USD/tấn, giảm 25-160 USD/tấn.
Tại Việt Nam, giá chào bán gạo xuất khẩu loại 5% tấm phổ biến ở mức 370-465 USD/tấn, tăng 10-35 USD/tấn; loại 25% tấm phổ biến ở mức 360-410 USD/tấn, tăng 15-35 USD/tấn so với năm 2013.
Như vậy, giá chào bán gạo 5% tấm của Việt Nam năm 2014 dao động ở mức 370-465 USD/tấn, cao hơn so với mức 370-445 USD/tấn của Thái Lan. Năm 2013, giá gạo chào bán của Thái Lan đứng ở ngưỡng 405-570 USD/tấn, cao hơn nhiều so với mức 360-430 USD của Việt Nam.
Tương tự, giá chào bán gạo 25% tấm của Việt Nam năm 2014 dao động ở mức 360-410 USD/tấn, cao hơn so với mức 350-400 USD/tấn của gạo Thái Lan cùng loại.
Đâu là nguyên nhân?
Lý giải cho việc giá chào bán của Việt Nam cao hơn giá của Thái Lan, Cục Quản lý giá cho biết giá chào bán gạo xuất khẩu tại Thái Lan giảm liên tục trong 6 tháng đầu năm do Chính phủ Thái Lan tạm dừng chương trình thế chấp lúa gạo cho nông dân, trong khi nhu cầu gạo không cao và các nguồn cung khác lại khá lớn, cộng với tác động từ những bất ổn chính trị tại nước này.
Sang tháng 7 và tháng 8, giá chào bán gạo tại Thái Lan tăng trở lại do nguồn cung khan hiếm. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 9 trở đi, giá giảm do áp lực từ lượng gạo tồn kho và thu hoạch từ vụ lúa chính cùng với việc Chính phủ không hỗ trợ nhiều như trước đây. Giá chào bán lại giảm từ tháng 10/2014 do Thái Lan dự định tiến hành các biện pháp hỗ trợ thị trường lúa gạo và nông dân trong thời gian tiếp theo và mở bán gạo tồn kho trước vụ thu hoạch chính, dẫn đến nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu nhập khẩu thấp.
Ngoài ra, các nước xuất khẩu gạo lớn trên thế giới đua nhau hạ giá cũng khiến giá chào bán gạo xuất khẩu trên thị trường thế giới giảm.
Còn tại Việt Nam, giá lúa gạo tăng trong tháng 4 và tháng 5 sau khi giảm liên tục 3 tháng đầu năm do Việt Nam trúng thầu 800.000 tấn gạo bán cho Philipin và chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo vụ Đông Xuân theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, giá lại giảm trong tháng 6 do tồn kho cao trong khi nhu cầu thị trường ở mức thấp; riêng gạo thành phẩm 5% tấm vẫn tăng do các doanh nghiệp thu mua để thực hiện hợp đồng đã ký xuất cho Philipin và Cu Ba.
Sang tháng 7 và tháng 8, do các nước Phillipin, Malaysia và Indonesia gia tăng nhu cầu nhập khẩu nên giá chào bán gạo xuất khẩu và giá lúa gạo trong nước tăng. Từ cuối tháng 8 và tháng 9, giá lúa gạo trong nước giảm nhưng vẫn ở mức cao do nhu cầu thu mua gạo của các doanh nghiệp để phục vụ cho các hợp đồng xuất khẩu khá lớn trong khi lượng gạo tồn kho của các doanh nghiệp không nhiều.
Ba tháng cuối năm, giá gạo trên thị trường thế giới có xu hướng giảm cũng đã tác động làm giảm giá lúa gạo trong nước.
Dự báo cho năm 2015
Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2015 Thái Lan sẽ là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới với mức 10 triệu tấn (tăng 1 triệu tấn so với dự báo xuất khẩu 9 triệu tấn trong năm 2014), Việt Nam sẽ xuất khẩu 6,7 triệu tấn (tăng 3% so với mức dự kiến xuất khẩu 6,5 triệu tấn trong năm 2014), Ấn Độ sẽ xuất khẩu 8 triệu tấn (giảm 13%).
Về cung cầu, dự kiến sản lượng lúa trong nước năm 2015 đạt 43,81 triệu tấn. Sau khi trừ tiêu dùng nội địa khoảng 28,1 triệu tấn, lượng lúa hàng hóa cần tiêu thụ cả năm 2015 là khoảng 14,9 triệu tấn, tương đương khoảng 7,7 triệu tấn gạo.
Về giá cả, nguồn cung thế giới và trong nước được bổ sung từ vụ thu hoạch mới trong khi nhu cầu chưa có nhiều biến động nên giá gạo dự báo sẽ ổn định, một số loại gạo chất lượng cao có thể tăng nhẹ.