Đây là lần đầu tiên chỉ số này giảm 3 tháng liên tiếp kể từ năm 2012, có thể tác động tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng của cả quý đầu năm.
Số liệu thống kê của bộ trên cho thấy trong tháng qua, doanh số bán lẻ của nền kinh tế số một thế giới đã sụt giảm 0,6%, trái ngược với mức tăng 0,3% mà các chuyên gia dự báo trước đó.
Trong đó, doanh số bán xe ôtô giảm mạnh tới 2,5% và doanh số bán vật liệu xây dựng giảm 2,3%, mức giảm cao nhất kể từ tháng 5/2012. Doanh số tại các nhà hàng và quầy bar giảm 0,6% trong khi doanh số bán quần áo không có biến động.
Giới chuyên gia nhận định một trong những nguyên nhân chính khiến người tiêu dùng Mỹ giảm mạnh chi tiêu là do thời tiết mùa Đông lạnh giá.
Những cơn bão tuyết mùa Đông kèm theo gió lạnh khiến nhiều người có chung tâm lý ngại ra đường và ít đi mua sắm.
Ngoài ra, việc doanh thu bán lẻ sụt giảm cũng phần nào phản ánh người tiêu dùng tại Mỹ vẫn tiếp tục chi tiêu thận trọng sau cuộc Đại suy thoái 2007-2009.
Trong khi đó, thị trường lao động Mỹ đón nhận tín hiệu tích cực khi số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần đầu tiên của tháng 3/2015 giảm mạnh.
Theo số liệu công bố ngày 12/3 của Bộ Lao động Mỹ, trong tuần từ 1-7/3, số người lao động lần đầu tiên nộp đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp đã giảm 36.000 người - tương đương 11% - xuống còn 289.000 người.
Giới chuyên gia nhận định thị trường lao động tiếp tục được cải thiện sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong quý II tới.
Kể từ tháng 9 năm ngoái tới nay, số lượng lao động Mỹ bị sa thải trong một tuần hầu như đều giữ ở mức dưới 300.000 người.
Từ tháng 11/2014 đến tháng 1/2015, các doanh nghiệp Mỹ đã tạo ra được hơn 1 triệu việc làm mới, cao nhất trong vòng 17 năm qua.
Trong năm 2014, tổng số việc làm mới được tạo ra ở Mỹ là hơn 3,2 triệu, giúp làm giảm tỷ lệ thất nghiệp của nước này xuống 5,7% so với mức 6,6% của năm trước đó.
Lương tối thiểu cho một giờ làm việc ở Mỹ trong tháng 1/2015 tăng 0,5%. Đây là mức tăng cao nhất trong một tháng trong vòng 6 năm qua./.