Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sản phẩm tôm Việt Nam với kim ngạch 991 triệu USD năm 2014
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa mới công bố kết quả trong đợt kiểm tra chống bán phá giá thứ 9 (POR9) đối với sản phẩm tôm Việt Nam. Theo đó, mức thuế mà DOC áp dụng cho đợt này giảm đáng kể so với POR8.
Vừa mừng vừa lo
Theo đó, Công ty cổ phần Sao Ta (FMC) sẽ được áp mức thuế suất 0%. Trước đó, mức thuế mà FMC phải chịu là 6,37%. Trong khi đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MPC) chịu mức thuế là 1,5%, thấp hơn so với mức 4,98% trước đây. Ngoài ra, mức thuế sơ bộ đối với Thuận Phước là 1,06%. Đối với bị đơn tự nguyện trong đợt xem xét này sẽ chịu mức thuế là 0,93%. Mức chung cả nước là 25,76%. Như vậy, so với mức thuế doanh nghiệp Việt Nam bị áp trước đây, lần xem xét này tỷ lệ thuế đã giảm khá mạnh. Đây là một tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm tôm của Việt Nam. Cần nhớ rằng, Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu lớn nhất đối với sản phẩm tôm Việt Nam với kim ngạch 991 triệu USD năm 2014.
Thông tin về việc Việt Nam đứng trước đợt kiểm tra thứ 9 của DOC đối với sản phẩm tôm đã khiến không ít doanh nghiệp trong nước lo lắng. Lý do là kết quả của đợt kiểm tra thứ 8 đã khiến nhiều doanh nghiệp trong nước thiệt hại nặng nề. Ông Lý Văn Thuận, Tổng thư ký Hội Chế biến thủy sản Cà Mau (Casep), cho biết: "Chỉ tính riêng từ ngày 1/2/2012 đến ngày 31/1/2013, ngành tôm Cà Mau bị thiệt hại khoảng 12,3 triệu USD do DOC áp mức thuế chống bán phá giá tôm đông lạnh Việt Nam nhập khẩu vào Mỹ".
Được lợi nhờ đi kiện?
Năm 2004, tôm Việt Nam chính thức bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá với mức thuế 4,57% cho các doanh nghiệp tham gia xem xét hành chính lần thứ nhất (từ ngày 16/7/2004 - ngày 31/1/2006). Đến năm 2013, trải qua bảy đợt rà soát cùng với nỗ lực bền bỉ của các doanh nghiệp theo đuổi vụ kiện, DOC cuối cùng cũng đã phải thừa nhận thực tế là các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam không bán phá giá. Kết quả, lần đầu tiên DOC đã quyết định mức thuế 0% cho tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam tham gia xem xét hành chính thuế chống bán phá giá.
"Niềm vui ngắn chẳng tày gang", trong đợt xem xét hành chính lần thứ 8 từ ngày 1/2/2012 đến ngày 31/1/2013, DOC lại tiếp tục cáo buộc bán phá giá với tôm Việt Nam với mức thuế suất chống bán phá giá cao nhất là 9,75% và thấp nhất là 4,98%. Không chấp nhận mức thuế phi lý mà DOC đưa ra, hơn 30 doanh nghiệp tôm của Việt Nam đồng loạt kháng kiện.
Tháng 10/2014, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã quyết định gửi kháng kiện lên Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (US ITC) về cách thức mà DOC đã tính toán và áp mức thuế chống bán phá giá con tôm Việt Nam một cách không công bằng và bất hợp lý.
"Mức thuế POR 8 quá cao bởi nó được tính toán dựa trên những số liệu thiếu cơ sở và không hợp lý. Đặc biệt, phương pháp này không có cơ sở thống kê và tính thực tiễn cũng đang gây nhiều tranh cãi trong việc áp dụng ở Luật chống bán phá giá ở Mỹ", ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó chủ tịch VASEP, nói trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí.
Cụ thể, trong cách tính POR8 này, DOC lấy số liệu của Việt Nam so sánh với nước thứ 3 là Bangladesh. Mặc dù tính toán cho giai đoạn 2012-2013, nhưng DOC lại lấy số liệu năm 2003 của Bangladesh. Các số liệu không được cập nhật sẽ ảnh hưởng đến kết quả tính toán biên độ phá giá, thuế chống bán phá giá. Việc tính toán thiếu căn cứ khoa học này đã gây thiệt hại cho doanh nghiệp Việt Nam.
Về lâu dài, cần phân bổ thị trường xuất khẩu cho hợp lý, tránh việc quá phụ thuộc vào thị trường ở Mỹ |
Cùng với việc đưa sự việc ra Tòa án Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, VASEP cũng nộp đơn kháng cáo phán quyết của DOC lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Sau hai năm nghiên cứu, tháng 11/2014, Ban hội thẩm của WTO kết luận, một số biện pháp của Mỹ không những vi phạm Hiệp định Thuế quan và thương mại GATT 1994 mà còn trái với quy định của WTO về chống bán phá giá. Theo đó, trong số 11 nội dung khiếu nại của Việt Nam, Ban hội thẩm của WTO đã đưa ra phán quyết với bảy nội dung theo hướng có lợi cho Việt Nam, nhất là về thủ tục điều tra và tính toán biên độ phá giá.
Đặc biệt, theo ban hội thẩm, sử dụng phương pháp quy về 0 (phương pháp zeroing) trong vụ tôm xuất khẩu của Việt Nam là không phù hợp với quy định của WTO. Do đó, Mỹ không được tiếp tục áp dụng phương pháp này. Có thể nói, việc các doanh nghiệp tôm Việt Nam đồng lòng "phản pháo" lại các phán quyết phi lý mà DOC đưa ra, cùng với việc thưa kiện lên WTO, đã khiến DOC phải nhìn nhận lại vụ việc. Kết quả sơ bộ của POR9 lần này đã phần nào minh chứng cho điều này.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là lần xem xét sơ bộ và chậm nhất là đến tháng 9/2015 DOC mới đưa ra kết quả cuối cùng. Tức là trong khoảng thời gian này, các công ty thủy sản Việt Nam vẫn phải chịu mức thuế 6% của lần thứ 8 vì lần POR9 chưa có kết quả chính thức.
Trong khi DOC vẫn liên tục đưa ra những phán quyết về áp thuế chống bán phá giá đối với tôm Việt Nam khiến việc đeo đuổi các vụ kiện còn kéo dài, động thái tích cực mà các doanh nghiệp tôm Việt Nam có thể tự cứu mình là xây dựng và thực hành các quy chuẩn về vùng nuôi cũng như các quy chuẩn trong quá trình chế biến. Bên cạnh đó, về lâu dài, cần phân bổ thị trường xuất khẩu cho hợp lý, tránh việc quá phụ thuộc vào thị trường Mỹ sẽ góp phần hạn chế rủi ro khi có "sự cố" xảy ra.
Một số thị trường rất tiềm năng được VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp là Nga, Đông Âu... bởi ở những nơi đó nhu cầu về tôm đang tăng lên. Mừng cho con tôm Việt!