Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã chính thức ký kết vào ngày 4-2 tại New Zealand, đánh dấu bước ngoặt trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cùng với các hiệp định thương mại tự do (FTA), TPP sẽ tạo những cơ hội lớn và sức ép để Việt Nam cải cách và phát triển.
Nhân dịp đầu năm mới Bính Thân 2016, Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với nhà quản lý, chuyên gia kinh tế trước những đòi hỏi của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới.
Ðưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị quốc tế
. Năm 2016 sẽ là một năm hội nhập sâu rộng của đất nước, Bộ Công Thương đã có những dự định gì để thực hiện tốt khâu xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) cạnh tranh thành công?
+ Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Nhằm hỗ trợ hiệu quả các DN tận dụng các cơ hội đem lại từ các FTA thế hệ mới, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực, khả thi, trong đó tập trung hỗ trợ xúc tiến xuất khẩu ra thị trường nước ngoài với các hình thức như: Tổ chức, tham gia hội chợ triển lãm chuyên ngành tại nước ngoài. Phối hợp các cơ quan, tổ chức liên quan và các tập đoàn đa quốc gia đưa hàng Việt vào hệ thống siêu thị quốc tế. Tổ chức tuần hàng Việt Nam tại hệ thống siêu thị tại Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc…
. Theo Thứ trưởng, thị trường nào sẽ có vai trò quan trọng trong năm 2016?
+ Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý nhà nước và bằng nỗ lực, chủ động của DN, bên cạnh thị trường xuất khẩu chủ lực như thị trường châu Á, các thị trường khác thuộc các khu vực như châu Âu, châu Mỹ, châu Úc… đã có sự gia tăng về kim ngạch xuất khẩu. Song để phát triển bền vững và gia tăng kim ngạch xuất khẩu, ngoài các thị trường truyền thống, việc gia tăng xuất khẩu vào những thị trường mới sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu và tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường.
Về định hướng mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam thời gian tới là tập trung phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.
Hội nhập sâu giúp hàng Việt có cơ hội tiếp cận nhiều nước nhưng sản phẩm ngoại cũng dễ dàng thâm nhập Việt Nam. Trong ảnh: Hàng nội, ngoại chen chân tại thị trường Việt Nam. Ảnh: TÚ UYÊN
Có thể thắng tại “sân nhà”
. Nhiều ý kiến cho rằng công tác xúc tiến thương mại của chúng ta vẫn chưa đạt hiệu quả cao, ông nghĩ sao về nhận định này?
+ Tôi cho rằng nhận định như trên mới chỉ đánh giá một khía cạnh phát triển thị trường trong lĩnh vực xúc tiến thương mại. Tuy nhiên, đứng trước những đòi hỏi của giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế mới và thời kỳ phát triển mới về chất của nền kinh tế, đòi hỏi phải có sự quan tâm, đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại ngày càng cao.
Các nền kinh tế phát triển cũng như đang phát triển trên thế giới từ lâu đã đầu tư mạnh mẽ cho mạng lưới các cơ quan xúc tiến thương mại trong và ngoài nước. Trong khi đó, đầu tư cho khâu này của nước ta còn nhiều hạn chế. Ví dụ, kinh phí dành cho chương trình xúc tiến thương mại quốc gia của Việt Nam hiện nay tính trên kim ngạch xuất khẩu chỉ bằng 0,003% (so với mức trung bình của thế giới là 0,11%, theo số liệu của World Bank - 2010). Tính theo tỉ lệ phần trăm, chỉ tương đương 1/4 kinh phí của Bangladesh, bằng 1/10 so với Thái Lan.
Cơ hội không thể bỏ lỡ Các FTA sẽ mở ra những cơ hội tiếp cận thị trường cho DN Việt... Đây là một vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ. Thời gian không phải có quá nhiều. Trong 5-7 năm tới, Thái Lan, Indonesia có thể tham gia TPP. Thêm vào đó, nếu EU quay lại ký kết FTA với các nước ASEAN thì cơ hội cho Việt Nam sẽ không còn lớn như bây giờ. TS VÕ TRÍ THÀNH, chuyên gia kinh tế |
Trên thực tế Bộ Công Thương gặp rất nhiều khó khăn trong việc phê duyệt chương trình. Nhiều đề án tốt, có tính khả thi cao và thiết thực phục vụ trực tiếp trong việc đẩy mạnh xuất khẩu và an sinh xã hội nhưng do không có kinh phí nên không được đưa vào phê duyệt thực hiện.
. Theo Thứ trưởng, DN Việt phải làm những gì để có được những thị trường xuất khẩu bền vững?
+ Một số ngành hàng xuất khẩu của chúng ta như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện thoại đều tăng trưởng tích cực trong thời gian qua nhưng chưa bao hàm yếu tố bền vững, trong đó có vấn đề thị trường. Tôi cho rằng các DN cần cố gắng tự thân phát triển bằng việc nâng cao hàm lượng công nghệ, giá trị gia tăng cho hàng hóa của mình, xây dựng và phát triển thương hiệu, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngoài ra chúng ta cần chủ động, sáng tạo hơn trong việc tìm hiểu thông tin và tham gia vào mạng lưới xúc tiến thương mại để thường xuyên được tiếp cận các cơ hội thương mại đem lại. Các DN cũng nên xây dựng đội ngũ nhân sự chuyên trách được đào tạo kiến thức và kỹ năng chuyên sâu về xúc tiến thương mại để có thể tham gia chủ động và hiệu quả vào các chương trình do Nhà nước hỗ trợ.
Thực hiện được những mục tiêu trên, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng việc các DN Việt cũng sẽ có thể cạnh tranh thắng lợi ngay tại “sân nhà”.
TS TRẦN ĐÌNH THIÊN, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Ðộc quyền sẽ vỡ trận Kinh tế tư nhân là nguồn lực rất lớn cơ bản của nền kinh tế. Lâu nay ta xem DN nhà nước là chủ đạo của nền kinh tế nhưng thực tế sự lớn lên của lực lượng kinh tế tư nhân đã góp thêm động lực cho nền kinh tế. Kinh tế tư nhân phải là nền tảng giúp nền kinh tế thị trường vận hành, còn đầu tàu là các tập đoàn kinh tế hùng mạnh. Ở đây, khái niệm đầu tàu được xác định là đối tượng trụ cột gồm các tập đoàn hùng mạnh, còn nền tảng là toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân. Nói như vậy mới đúng với nền kinh tế thị trường và không hàm ý một sự phân biệt đối xử nào. Bởi lẽ theo nguyên lý tối cao của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh tự do bình đẳng, khi không có bình đẳng và chỉ có độc quyền thì sẽ vỡ trận. Cải cách thủ tục hành chính là vấn đề quan trọng để cải cách thể chế. Cạnh tranh bình đẳng là điều DN cần, do đó mọi chính sách của Nhà nước phải bảo đảm sự bình đẳng trên thị trường. Nhìn lại năm năm qua, nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, DN là đối tượng gặp khó nhất, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Họ chống đỡ để tồn tại nhiều hơn là cạnh tranh để vươn lên. Điều này cũng phản ánh thực tế của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta lập ra những DN nhỏ li ti, làm cho định hướng của các DN Việt Nam nhiều khi chỉ là kiếm sống chứ không phải làm giàu. Sự sai lệch động cơ này cũng là một câu chuyện có lẽ tới đây phải có cách giải quyết. Nếu thành lập DN theo kiểu kiếm ăn, chộp giật là không đúng thị trường và Nhà nước khó kiểm soát được. Các FTA cũng như TPP đều có quy định ràng buộc cơ chế tài trợ của chính phủ cho các DN. Nghĩa là nếu chính phủ có những chính sách hỗ trợ DN không đúng sẽ vi phạm quy tắc thị trường. Theo đó, Nhà nước phải trung lập, không nghiêng về khối DN nào cả. Nhà nước cần làm một con đường để tất cả cùng đi chứ không làm con đường riêng nào cho DN. Đặc biệt, quyền tự do của DN được đề cao hơn rất nhiều và luật lệ phải đi theo nó. Luật lệ mà trói ông này, nâng ông kia là vi phạm hội nhập. Bà PHẠM CHI LAN, chuyên gia kinh tế: DN chịu nhiều áp lực Nhìn nhận thực tế, phần lớn các DN của Việt Nam có quy mô nhỏ, trình độ quản lý thấp. Các DN chủ yếu sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu 2-3 thế hệ. Các thể chế hỗ trợ thị trường hoạt động kém hiệu quả. DN phải chịu nhiều áp lực của thủ tục hành chính phức tạp, tốn kém; chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực; hành lang pháp lý kém an toàn. Trong khi đó, quá trình sản xuất của các DN Việt ít gắn kết vào chuỗi giá trị. Hợp tác kinh doanh ở ta tập trung chủ yếu ở khâu tiếp thị bán hàng (29,5%) và trong khâu sản xuất hàng hóa và dịch vụ (24,8%). Khâu phát triển sản phẩm mới ít có sự hợp tác nhất. Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp trong TPP, khoảng cách thu nhập rất lớn. Trong khi chúng ta phải mở cửa thị trường cho tất cả các nước có FTA, tăng nguy cơ thua trên sân nhà và nhập siêu tăng cao. Chúng ta có thể mất thời cơ do chậm chuẩn bị và các nước khác có thể tham gia TPP. Do đó, cải cách thể chế, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là hành động cấp thiết lúc này. Với khu vực tư nhân trong nước tập trung giải quyết ba vấn đề: Quyền sở hữu, cạnh tranh bình đẳng, cải cách các thị trường nhân tố (vốn, đất, công nghệ…), biến khu vực tư nhân thành động lực chính để hiện đại hóa nền kinh tế. |