Chỉ... 1% doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho nông nghiệp
Vui, vì bên cạnh “thùng xốp trồng rau trên ban công”, hay “ra chợ tìm sâu” y như một sự đối phó bất đắc dĩ, người tiêu dùng sẽ có thêm một sự lựa chọn hoàn toàn có thể tin tưởng được. Bởi đây là những loại rau củ sạch theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP được gieo trồng trên các nông trường ở Tam Đảo, ở Củ Chi, ở Long Thành. Toàn bộ gieo trồng bằng công nghệ cơ giới hóa và tự động hóa trên cánh đồng mẫu lớn.
Nói vui, bởi đã từ lâu, chuyện con cá- mớ rau, một nhu cầu thiết yếu cho cả người giàu và người nghèo đang tồn tại phổ thông trong tình trạng thấp thỏm, âu lo, và mối liên hệ, chắc không phải chuyện “lo bò trắng răng” với tỷ lệ người mắc bệnh ung thư ngày càng cao.
Không nói đâu xa, cũng chỉ vừa hôm qua, nhà nông học hàng đầu Việt Nam, GS Võ Tòng Xuân đã đưa ra con số choáng váng. Ấy là chuyện mỗi năm chúng ta nhập chính ngạch tới 100.000 tấn thuốc sâu các loại.
Và không chỉ thuốc trừ sâu, tật bệnh cố hữu của nền nông nghiệp vẫn tồn tại dai dẳng ngay trước thềm hội nhập: Sản xuất thì nhỏ lẻ, chạy theo số lượng, chứ không chú trọng chất lượng; thiếu hệ thống sản phẩm đạt chất lượng Vệ sinh an toàn thực phẩm có thể truy xuất nguồn gốc- tiêu chuẩn bắt buộc nếu muốn vươn khỏi ao làng.
Và không thể không kể đến “vấn đề đầu tiên” là giá thành khi chẳng hạn “đề án trồng ngô để thay thế ngô nhập khẩu được áp dụng để cho ra một giá ngô còn cao hơn giá ngô nhập khẩu”.
Nhưng câu chuyện những mớ rau tỷ phú hôm nay đang phản ánh không ít nỗi ngậm ngùi nông dân. Họ được nghe từ năm này qua năm khác, từ nhiệm kỳ bộ trưởng này tới bộ trưởng khác về mối liên kết 4 nhà, về thương hiệu và thị trường, về cánh đồng mẫu lớn, về nền nông nghiệp New Zealand, Israel, hay Nhật Bản.
Họ được giảng lý thuyết về “sự then chốt của KHKT”, và có một bộ trưởng Bộ KHCN “thật thà” chuyện muốn được chất vấn trực tiếp, muốn trả lời phỏng vấn trực tiếp là “để người dân Việt Nam còn biết nước mình có một cái Bộ tên là Khoa học- Công nghệ”.
Những vị tỷ phú nuôi bò, trồng rau như ông Đức, ông Vượng thì chẳng thèm nói một câu, nhưng đầu tiên và ngay lập tức bỏ hàng ngàn tỷ tiền túi, lập tức đưa công nghệ từ Nhật, từ New Zealand, Israel về áp dụng. Và chỉ 6 tháng từ khi quyết định đầu tư vào nông nghiệp, đã cho ra đời một thương hiệu.
Vấn đề hóa ra ở chỗ không phải nói hay như thế nào mà là làm thật ra sao.