Biểu đồ sản xuất và tiêu thụ đường trên thế giới qua các vụ
ĐVT: triệu tấn |
Thế giới sắp kết thúc dư cung, sản lượng đường giảm
Với tính chất chu kỳ điển hình, cầu thị trường đường đang tiến về mức cân bằng trong vụ 2014/2015 theo dự báo của các tổ chức đường lớn trên thế giới. Trong đó ISO dự báo thặng dư đường khoảng 1.3 triệu tấn, Kingsman 2.09 triệu tấn, USDA khoảng 0.24 triệu tấn. Điều đáng chú ý là hầu hết các tổ chức này đều đưa ra dự báo thặng dư đường thế giới sẽ giảm dần từ vụ 2014/2015 và tiến tới kết thúc giai đoạn dư cung của ngành.
Tại những nước sản xuất đường lớn trên thế giới, sản lượng đường trong vụ 2013/2014 dự kiến giảm do các vấn đề về thời tiết, đóng cửa nhà máy... Cụ thể, tại Thái Lan, sản lượng đường đã đạt kỷ lục 11.2 triệu tấn, tồn kho tăng lên 1.46 triệu tấn, khủng hoảng chính trị tại đây khiến tiêu thụ nội địa giảm mạnh và tăng lượng đường xuất khẩu. Dự kiến sản lượng vụ 2014-2015 của Thái Lan sẽ thấp hơn vụ trước do hạn hán vào tháng 5, tuy nhiên năng suất vẫn giữ ở mức cao.
Tại Trung Quốc cũng đang tồn kho 8.5 triệu tấn đường và dự báo sản lượng vụ tới sẽ sụt giảm khoảng 5%. Brazil cũng đang đối diện với tình trạng hạn hán tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua. Riêng tại Ấn Độ, sản lượng tăng 5% lên 25 triệu tấn do tăng năng suất nhưng xuất khẩu dự báo giảm xuống còn 1.5 triệu tấn để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong nước.
Như vậy, sau 4 năm liên tiếp thừa cung đường kể từ vụ 2010/2011, mặc dù lượng dư thừa dự báo giảm trong vụ tới và tiến đến điểm cân bằng nhưng trước mắt thế giới vẫn đang phải chịu áp lực tồn kho cao.
Sản xuất và tiêu thụ đường qua các năm của Thái Lan (trái) và Trung Quốc (phải) với dự báo sản lượng giảm trong vụ tới |
Cũng với lo ngại dư thừa quá nhiều trên toàn cầu, giá đường thế giới đã giảm 8.7% trong quý 3, xuống mức thấp nhất trong 4 năm. Trong đó, trên thị trường ICE, giá đường thô ở mức 16.82 US cent/lb tại phiên ngày 07/10, giảm 4% so với đầu năm 2014 và giảm trên 15% kể từ đầu năm 2013. Trên sàn LIFFE, giá đường trắng cũng giảm xuống 431 USD/tấn. Tổ chức Đường Thế giới (ISO) cho biết giá thị trường toàn cầu vẫn đang chịu áp lực giảm và chưa có yếu tố nào hỗ trợ giá đường toàn cầu tăng. Giá đường niên vụ 2014-2015 có khả năng tăng rất thấp do lượng tồn kho khổng lồ từ những năm trước tích tụ lại.
Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng giá đường thế giới có thể hồi phục khi ngày càng có nhiều nhà máy đường Brazil đóng cửa vì thua lỗ và nhiều nhà máy ép mía tại Ấn Độ cũng sẽ ngừng hoạt động nếu giá bán không tăng.
Giá đường thô thế giới |
Đã có khoảng 50 nhà máy tại nước sản xuất lớn nhất thế giới - Brazil phải đóng cửa (trong số tổng cộng 430 nhà máy), và khoảng 60 nhà máy khác tái cơ cấu để tồn tại kể từ khi nổ ra khủng hoảng tài chính năm 2008. Thêm vào đó, các lãnh đạo ngành đường Brazil cho biết khoảng một đến hai chục nhà máy nữa dự kiến sắp cơ cấu lại nếu tình trạng giá thấp như hiện nay còn tiếp diễn.
Trong khi đó, tại nước sản xuất lớn thứ hai và tiêu thụ đường lớn nhất thế giới là Ấn Độ, nhiều nhà máy dự định không ép mía trong vụ 2014/15 trừ khi Chính phủ tăng giá quy định trả cho người trồng mía. Tại đất nước này, Chính phủ đã ấn định giá mía mà các nhà máy phải mua của nông dân nhưng nông dân không chấp nhận do lợi nhuận mang về rất thấp, còn các nhà máy cũng đang bị lỗ do giá thế giới liên tục giảm mạnh.
Mặc dù khó khăn còn nhiều nhưng chính những điều này ngược lại có thể giúp giảm lượng đường dư thừa trên thế giới và hỗ trợ giá đường thế giới hồi phục theo chu kỳ trước đây.
Việt Nam dự kiến giảm 4% sản lượng đường, đạt 1.53 triệu tấn
Tại Việt Nam, theo Cục Chế biến Nông Lâm Thủy sản và Nghề muối, lượng đường tồn tại kho các nhà máy tính đến ngày 15/09/2014 là 280,000 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 58,690 tấn. Trong đó, lượng đường các nhà máy bán ra từ 15/08-15/9/2014 là 92,000 tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 10,000 tấn. Giá bán đường trắng tại kho nhà máy trên cả nước cơ bản ổn định như tháng trước, từ 12,300 - 12,800 đồng/kg.
Giá đường vụ 2013/2014
ĐVT: đồng/kg |
Điều đáng chú ý là hiện năng suất mía ở Việt Nam thuộc vào loại thấp trên thế giới với 64 tấn mía và 5.4 tấn đường/ha trong khi Thái Lan đạt mức 100 tấn mía, 8 tấn đường và Brazil khoảng 120 tấn mía, 12 tấn đường. Do năng suất thấp nên giá đường tại Việt Nam gần như cao nhất thế giới, khoảng 50 USD/tấn trong khi giá đường Brazil chỉ 12 USD/tấn, đường Thái Lan là 25 USD/tấn.
Không chỉ gặp khó khăn về tồn kho cao, năng suất thấp, đường Việt Nam còn phải chống chọi với một lượng không nhỏ đường nhập lậu giá rẻ từ nước ngoài. Để hạn chế bớt tình trạng này, vào đầu tháng 08/2014, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đã có văn bản về việc tạm ngừng tạm nhập, tái xuất đường qua cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh Lào Cai, giúp ngành mía đường trong nước giảm bớt lượng đường lậu do thực hiện không đúng quy định để tiêu thụ trong nội địa với giá đường lậu thấp hơn đường trong nước 3,000- 4,000 đồng/kg.
Chưa kể ngành đường trong nước còn chịu áp lực trước đường ngoại khi thuế nhập khẩu đường sẽ giảm từ 5% về 0% vào năm 2015 theo lộ trình gia nhập AFTA. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng để giảm giá thành sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều nhà máy đường trong nước cũng sẽ không tránh khỏi tình trạng đóng cửa do không đủ sức cạnh tranh với đường từ nước ngoài tràn vào. Trước những khó khăn và thách thức này, tổng diện tích vụ tới (2014/2015) của Việt Nam ước giảm hơn 5,000 ha so với vụ trước xuống khoảng 261,500 ha mía do diện tích mía sụt giảm, diễn biến sâu bệnh phức tạp và thời tiết khô hạn tại miền Trung. Lượng mía ép cũng sẽ giảm gần 680,000 tấn xuống mức 15.37 triệu tấn, tương đương khoảng 70 ngàn tấn đường.
Ngoài ra, tình hình sâu bệnh tại Tây Ninh cũng làm giảm sản lượng mía nguyên liệu của nhiều nhà máy nên dự kiến sản lượng đường RE từ mía sụt giảm 6% so với vụ trước xuống mức 360,000 tấn. Tuy nhiên, sẽ có một lượng đường thô chuyển sang nên tổng lượng đường RE và RS cả nước dự kiến giảm 4% và đạt 1.53 triệu tấn trong niên vụ 2014/2015.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ dự kiến tăng 3% lên 1.5 triệu tấn, gần cân bằng với sản xuất trong nước. Nhưng do tồn kho từ vụ trước và nhập khẩu theo hạn ngạch, nhập lậu nên thặng dư vẫn còn và ước khoảng 440,000 tấn đường.
Và điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp mía đường cần thực hiện tái cơ cấu, áp dụng cơ giới hóa, công nghệ khoa học kỹ thuật để tăng sản lượng sản xuất, giảm giá thành và nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo vị thế vững chắc cho mình trước làn gió hội nhập sắp tới và cạnh tranh tốt với đường ngoại nhập.