Một là bảo đảm quyền lợi người trồng mía và DNchế biến đường trong nước. Hai là đồng thời đảm bảo tuân thủ và thực hiện được cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO.
Từ nhiều năm nay, VSSA và các DN sản xuất đường nội địa thường xuyên phàn nàn về sự rối rắm, thiếu hiệu quả của cơ chế nhập khẩu đường đã gây hại cho DN trong nước. Theo VSSA, lẽ ra cơ chế này phải được công khai, và nhất là phải được vận hành theo nguyên tắc đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường hàng năm (khoảng 70.000 tấn/năm). Tuy nhiên, thực tế là hiện VSSA có rất ít "cơ hội" để có thể tiếp cận được với danh sách DN được phân bổ hạn ngạch nhập khẩu đường.
"Người nhà"… ngại nhau!
Nhưng theo Bộ Công Thương, theo cam kết gia nhập WTO của Việt Nam, đường nhập khẩu được phân giao trực tiếp theo hạn ngạch, chứ không tổ chức đấu thầu. Tuy nhiên, dường như đây lại là cách hiểu sai lầm. Vì quy tắc WTO chỉ quan tâm tới thời gian mở cửa thị trường và độ mở của thị trường ngành hàng, lộ trình giảm thuế, chứ không quy định mở cửa thị trường phải theo hình thức, phương pháp như thế nào.
Như vậy, nếu việc mở cửa thị trường đường là một cam kết WTO, thì nó chỉ bị quy định bởi cam kết về hạn ngạch và suất thuế nhập khẩu (nếu có), chứ không thể bị quy định về biện pháp thực hiện hạn ngạch. Nói cách khác là cơ chế phân bổ hạn ngạch, hay đấu thầu hạn ngạch không thể nằm trong cam kết WTO. Vì đó là thẩm quyền và cách triển khai của Việt Nam, không có hiệp định thương mại nào lại "chi tiết" đến mức bóp méo cả cách thực hiện quy định của nước tham gia
Lý do các cơ quan chức năng của Việt Nam ngần ngại trước đề nghị đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường có thể nằm ở một vấn đề khác. Một cách đơn giản, có thể hình dung là với tiềm lực sẵn có và khả năng liên kết, chính các DN đường nội địa có thể thoải mái "tung hứng" với việc đấu thầu hạn ngạch nhập khẩu đường, nếu áp dụng hình thức này.
Khi sản xuất trong nước và đường nhập khẩu được "thống nhất" trong tay một vài DN, sẽ không khó hình dung là giá đường sẽ bị thao túng, và Nhà nước bắt buộc phải có những biện pháp can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính, hoặc bằng công cụ thị trường. Tuy nhiên, đây là lo ngại của cơ quan quản lý, chứ khó có khả năng xảy ra trên thực tế.
Sau thời gian dài khó khăn, DN sản xuất đường trong nước đang trong quá trình định hình lại năng lực sản xuất. Trong đó, có sự nổi lên của khá nhiều DN có tiềm lực mạnh. Chẳng hạn như chiến lược mua lại các nhà máy đường để nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của tập đoàn Thành Thành Công. Sớm muộn thì các DN ngành mía đường cũng phải "ngồi" với nhau để phân phối lại năng lực sản xuất, các bước phát triển thị trường nội địa khả năng, phương án xuất khẩu đường.
Minh bạch luôn hiệu quả
Theo đại diện VSSA, giá giao dịch đường trên thế giới luôn thấp hơn giá bán tại thị trường nội địa của các nước xuất khẩu đường. Ví dụ cụ thể có thể dẫn tại các nước xuất khẩu đường lớn như Brazil, Thái Lan… Lý do vì đường xuất khẩu của các nước này được khuyến khích bằng những chính sách ưu đãi về thuế xuất khẩu, chi phí… khiến giá đường đạt được ở mức có sức cạnh tranh.
Điều này giải thích cho thực tế đường nhập khẩu, hay nhập lậu từ Thái Lan có giá rẻ hơn đường sản xuất trong nước. Theo đại diện VSSA, khi duy trì phân bổ hạn ngạch nhập khẩu 77.200 tấn đường cho một vài DN, thì chỉ nội việc tạo ra chênh lệch giá từ 1.000 - 1.500 đồng/kg với giá đường sản xuất trong nước cũng đã tạo áp lực cực lớn lên các DN sản xuất.
Vấn đề là do thực tế này, đường sản xuất trong nước luôn đứng ở vị trí lựa chọn thứ 2 của người sử dụng, tức là trực tiếp "hạ bệ" đường trong nước, khuyến khích hàng ngoại.
Mặt khác, chênh lệch giá đường nội - đường ngoại cũng chỉ làm lợi cho các DN có hạn ngạch nhập khẩu đường, chứ không "chảy" về ngân sách nhà nước, lại càng không tới được với người trồng mía - vốn dĩ là đối tượng cần được hưởng lợi nhất từ giá đường. Và mặt khác, càng duy trì chênh lệch giá đường nội - đường ngoại, thì lại càng khuyến khích nạn nhập lậu đường và từ đó phá hoại sản xuất trong nước.
Theo Bộ Công Thương, hạn ngạch nhập khẩu đường trong năm 2014 là 77.200 tấn. Trong đó, có 40.000 tấn đường thô, nhập khẩu để phân cho các đơn vị tinh luyện và bán ra thị trường.
Có 5 DN được phân hạn ngạch nhập khẩu đường thô là công ty CP Mía đường Lam Sơn (5.000 tấn), công ty CP Đường Biên Hòa (15.000 tấn), công ty CP Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh (10.000 tấn), công ty CP Mía đường Cần Thơ (5.000 tấn), công ty CP Đường Khánh Hòa (5.000 tấn). 37.200 tấn còn lại đường tinh luyện được phân giao cho các DN nhập khẩu phục vụ sản xuất.
Bộ Công Thương "trấn an" các DN sản xuất rằng trong các năm tới, lượng đường nhập khẩu để tinh luyện sẽ được tăng dần, đường đã tinh luyện sẽ giảm dần nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước.
Dẫu vậy, rõ ràng là, nhập khẩu đường, dù là đường thô hay đường tinh luyện, đều không phải là giải pháp tối ưu cho phát triển ngành mía đường. Vì đều đóng "vai trò" làm thiệt hại cho sản xuất trong nước. Người trồng mía không được lợi khi giá đường trong nước bị kìm hãm bởi giá đường nhập khẩu. DN - bao gồm cả DN có hạn ngạch và không có hạn ngạch nhập khẩu đường - cũng khó duy trì được lợi ích, vì thực tế Việt Nam vẫn chưa có biện pháp hiệu quả ngăn chặn được nạn nhập lậu đường.
Một chính sách với quá nhiều sự hỗ trợ như thế, mà vẫn không phát huy hiệu quả bảo vệ DN, bảo vệ thị trường, bảo vệ người trồng mía… vậy mà vẫn được giữ lại, chỉ với lý do "đã cam kết khi gia nhập WTO".
Ông Đỗ Thành Liêm, Phó Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA)…
-------------------------------
Tại các chợ chuyên bán đường của Tp.HCM có đến 80-90% là đường Thái Lan nhập lậu mang nhãn mác các cơ sở sản xuất tại các tỉnh ở ĐBSCL, muốn mua bao nhiêu cũng có. Nhiều tỉnh thành ở ĐBSCL như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ đã cấp phép cho các cơ sở sản xuất chế biến đường nhưng họ không có nhà máy đường và không có mía, chỉ có phương tiện sang chiết bao mà thôi. Các cơ sở này dùng đường nhập lậu từ Thái Lan sang bao và kẹp hoặc in một nhãn hiệu nhỏ của cơ sở mình là xem như đường hợp pháp để phân phối tiêu thụ thoải mái.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT
-------------------------------
Ngành mía đường có thể tổ chức lại sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng bằng cách tận dụng và chế biến sâu các phụ phẩm của cây mía. Trước hết là sẽ rà soát lại quy hoạch, bước đầu hình thành các vùng sản xuất lớn, tập trung đã gắn với các nhà máy chế biến; đồng thời rà soát lại các diện tích lúa gần nhà máy đường đang canh tác không đạt hiệu quả cao mà phù hợp với sản xuất mía sẽ chuyển dịch sang trồng mía.
Ông K.V.S.R Subbaiah Tổng giám đốc công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam
-------------------------------
Trong khi các nhà máy chế biến đường của Việt Nam phải lo đảm bảo cuộc sống ổn định cho hàng triệu hộ trồng mía để giữ vững vùng mía nguyên liệu phục vụ cho nhà máy, tại một số địa phương trên cả nước lại cấp phép cho các cơ sở, DN không có nhà máy chế biến đường, vùng mía nguyên liệu nhưng vẫn được hoạt động sản xuất, chế biến và kinh doanh mặt hàng đường. Việc cấp phép này vô tình đã tiếp tay để đường Thái Lan nhập lậu hợp pháp vào Việt Nam.