Theo hãng tin Bloomberg, các công ty dầu khí của Mỹ đang cắt giảm số giàn khoan hoạt động với tốc độ kỷ lục và sa thải hàng nghìn công nhân.
Một mỏ dầu ở North Dakota, Mỹ - Ảnh: Bloomberg.
Mục đích của OPEC quyết không giảm sản lượng để cứu giá dầu là nhằm bảo vệ thị phần trên thị trường dầu lửa thế giới trước sự cạnh tranh của các nước khác, nhất là nước Mỹ với sản lượng dầu đá phiến tăng bùng nổ những năm gần đây.
Theo một số ngân hàng lớn nhất thế giới, Saudi Arabia sẽ duy trì chiến lược này trong cuộc họp tiếp theo của OPEC dự kiến diễn ra vào tháng 6 năm nay.
Cách làm của OPEC "đang phát huy hiệu quả", ông Francisco Blanch, trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa cơ bản của Bank of America, nhận định. "Chiến thuật này có tác dụng đúng như chúng tôi dự kiến, làm cho các công ty dầu lửa phải cắt giảm đầu tư, kéo theo nguồn cung giảm, thậm chí là đẩy nhu cầu tăng."
Tuần trước, số lượng giàn khoan tiếp tục hoạt động ở Mỹ giảm thêm 37 giàn, còn 1.019 giàn, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2011 - theo số liệu của Baker Hughes. Từ ngày 5/12 tới nay, đã có tổng số 556 giàn khoan dầu tại Mỹ bị ngừng hoạt động. Cùng với đó, từ hôm 1/11 tới nay, các công ty dầu lửa bao gồm Shell và Chevron đã tuyên bố cắt giảm khoảng 50 tỷ USD vốn đầu tư.
Hôm 25/2, Transocean, công ty khoan tìm dầu khí ngoài khơi lớn nhất thế giới, bị hãng đánh giá tín nhiệm Moody's giảm điểm tín nhiệm xuống mức "rác" (junk) do lo ngại mức nợ của công ty này sẽ tăng trong bối cảnh thị trường xấu đi. Hiện Transocean đang nợ khoảng 9 tỷ USD.
Trong tháng 2 này, giá dầu thế giới đã hồi phục 14% sau khi giảm hơn 50% từ tháng 6 năm ngoái. Sự phục hồi này có được một phần nhờ số giàn khoan giảm báo hiệu tăng trưởng nguồn cung giảm tốc. Theo giới chuyên gia, sản lượng dầu lửa của Mỹ sẽ bắt đầu ngừng tăng trong tháng 4 năm nay.
Mới đây, Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cắt giảm dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ năm 2015 còn 9,3 triệu thùng/ngày từ mức dự báo 9,42 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng 11 năm ngoái. EIA nhận định, sản lượng dầu của Mỹ vào quý 3 năm nay sẽ giảm lần đầu tiên trong 4 năm. Theo cơ quan này, trong tuần kết thúc vào ngày 20/2, Mỹ sản xuất 9,29 triệu thùng dầu mỗi ngày, mức sản lượng cao nhất trong 3 thập kỷ.
Ngoài ra, giá dầu giảm cũng đẩy nhu cầu tiêu thụ dầu tăng hơn trước. Tại một sự kiện ở Jazan, Saudi Arabia hôm nay (27/2), Bộ trưởng Bộ Dầu lửa Saudi Arabia, ông Ali Al-Naimi, nói rằng, nhu cầu dầu đang tăng lên và thị trường đang "ổn định".
Hôm nay, giá dầu thô ngọt nhẹ tại New York ở mức gần 49 USD/thùng, trong khi dầu thô Brent tại London giao dịch gần 61 USD/thùng.
"Chiến lược dài hơi của OPEC đang đi đúng hướng. OPEC chịu thiệt hại tài chính trong ngắn hạn vì mục tiêu dài hạn", ông Harry Tchilinguirian, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản của BNP Paribas ở London, nhận xét.
Tuy vậy, thiệt hại đối với OPEC cũng không hề nhỏ.
Giá dầu lao dốc sẽ khiến doanh thu từ dầu lửa của khối này giảm khoảng 37% trong năm nay, theo dự báo của EIA. Cơ quan này ước tính, doanh thu từ xuất khẩu dầu của 12 nước thành viên OPEC không bao gồm Iran sẽ giảm còn 446 tỷ USD trong năm 2015 từ mức 703 tỷ USD trong năm 2014.
Cuối tháng 12 năm ngoái, Chính phủ Saudi Arabia dự kiến mức thâm hụt ngân sách 145 tỷ Riyal, tương đương khoảng 38,7 tỷ USD trong năm 2015, từ mức thâm hụt 54 tỷ Riyal trong năm 2014.
Trong OPEC, chiến lược của Saudi Arabia bị Venezuela và Iran chỉ trích mạnh mẽ. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo, nền kinh tế Venezuela sẽ suy giảm 7% trong năm nay, còn Iran sẽ thiệt hại 48 tỷ USD doanh thu từ dầu lửa trong vòng 2 năm.
Theo tờ Financial Times hôm 23/2, Nigieria muốn triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của OPEC về vấn đề giá dầu. Tuy nhiên, một quan chức giấu tên của OPEC sau đó đã phủ nhận thông tin này. Những thành viên nghèo hơn trong OPEC như Venezuela, Iran hay Nigeria đều không có ảnh hưởng lớn tới chính sách, trong khi tiếng nói quyết định thuộc về Saudi Arabia.