Sản xuất cao su tại Indonesia
Từ việc không bán dưới giá sàn…
Tháng 10/2014, các Hiệp hội cao su từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, VN… đã thúc giục các nhà sản xuất không bán cao su dưới giá sàn 1,5 USD/kg. Tại mỗi nước còn có biện pháp cụ thể, như hạn chế khai thác và mua cao su tạm trữ nhằm tăng giá bán. Ngay sau đó, giá cao su kỳ hạn trên các sàn giao dịch cao su quốc tế đã tăng khá nhưng chưa đạt như kỳ vọng.
Trước tình trạng đó, các nước sản xuất cao su thiên nhiên lại phải hành động. Ngày 20/11/2014, Hội đồng Cao su quốc tế 3 bên (ITRC), đại diện cho quan chức chính phủ, nông dân cao su và nhà xuất khẩu cao su từ Thái Lan, Indonesia và Malaysia đã nhóm họp tại Malaysia nhằm giải quyết vấn đề giá cao su tuột dốc. Các đại diện đến từ Campuchia, Lào, Myanmar và VN cũng tham dự. Hiện 7 nước này chiếm 80% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu.
Cuộc họp bàn thảo biện pháp tối ưu nhất mà các nước sản xuất cao su có thể áp dụng để ổn định giá. Trong đó, có 3 khả năng được xem xét: giảm nguồn cung ra thị trường toàn cầu, giảm nguồn cung nội địa hoặc tăng nhu cầu nội địa.
Đến việc thành lập thị trường cao su khu vực
Một trong những thông tin đáng chú ý tại cuộc họp là ITRC cho biết sẽ thành lập thị trường cao su khu vực trong 18 tháng tới như một biện pháp ổn định giá cao su.Theo đó, thị trường cao su khu vực sẽ hợp nhất thị trường cao su thiên nhiên của các nước sản xuất cao su chủ chốt Thái Lan, Indonesia và Malaysia (TIM). 3 nước này sẽ hợp tác cung cấp thông tin giá tốt hơn và hiệu quả hơn nhằm mang lợi ích cho nhà sản xuất, người tiêu dùng và những người tham gia thị trường. Năm 2014, 3 nước ITRC có hơn 4,6 triệu nông dân cao su tiểu điền và nhiều người đã ngừng khai thác và tìm công việc khác dogiá cao su liên tục lao dốc.
Các nước ASEAN khác tham dự phiên họp nhưCampuchia, Lào, Myanmar vàVN cũng bày tỏ sự quan tâm và mong muốn hợp tác với TIM nhằm củng cố giá cao su thiên nhiên.
Theo Bộ trưởng Bộ Đồn điền và Hàng hóa Malaysia Douglas Uggah Embas, hiện 3 nước ITRC chiếm khoảng 67% tổng sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu, trong khi Campuchia, Lào, Myanmar và VN chiếm khoảng 13%. Ông Douglas Uggah Embas khẳng định: “Việc thành lập thị trường khu vực sẽ cho phép TIM cung cấp thông tin chính xác và cập nhật về tồn kho cao su. Thị trường sẽ khởi động với hợp đồng kỳ hạn và sau đó là hợp đồng tương lai”.
Có thể nói, thị trường cao su đang là cuộc giằng co giữa bên bán và bên mua. Với diễn biến thịtrường như hiện nay, lợi thế đang thuộc về bênmua. Tuy nhiên, trong tình hình khó khăn như hiện nay, bên bán đang nỗ lực dốc sức “kéo co”. Việc bên bán nhóm họp, tìm cách liên kết, đồng thuận các biện pháp nhằm nâng đỡ giá cao su minh chứng cho điều đó.
Trong tình hình cán cân đang nghiêng hẳn về phía mua như hiện nay, rõ ràng sự liên kết, hợp tác của bên sản xuất là rất cần thiết. Một mặt, mỗi nước vẫn phải tìm thị trường, lôi kéo khách hàng; cạnh tranh với các nước khác. Mặt khác, họ cũng cần sự bắt tay hợp tác từ các nước khác để đồng thuận các biện pháp can thiệp thị trường, cùng được lợi. Nếu hành động riêng lẻ, mạnh ai nấy bán, sẽ gây thêm bất lợi cho các bên còn lại và càng làmcho thị trường hỗn loạn.