Hyundai Thành Công đã bỏ ra 80 triệu USD để đầu tư Nhà máy Ô tô Ninh Bình với dây chuyền hàn khung xe tự động với những cánh tay robot hiện đại, có công suất 40.000 xe các loại/năm. Sản phẩm đầu tiên là SantaFe 2015
Trong khi nhiều hãng ô tô tại Việt Nam đang chuyển từ lắp ráp trong nước sang nhập khẩu nguyên chiếc về bán thì ngược lại, công ty này lại chuyển từ nhập xe sang lắp ráp trong nước.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc Công ty Hyundai Thành Công không dấu tham vọng, hướng tới xuất khẩu sang các nước Đông Nam Á. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ đầu tư sản xuất một số linh kiện điện tử, công nghệ chuyển giao từ Hyundai Hàn Quốc và sử dụng các linh kiện khác được sản xuất trong nước như vành đúc, dây điện, ghế ngồi, ắc quy, điều hòa... ”, ông nói.
Bên cạnh đó, công ty còn xúc tiến đầu tư giai đoạn 2 Nhà máy Ô tô Ninh Bình, với phân xưởng dập chi tiết thân xe, nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa lên 40% để được hưởng ưu đãi khi xuất khẩu sang các nước ASEAN.Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Ô tô Trường Hải, cũng tiết lộ đang đàm phán với một đối tác của Nhật để thành lập công ty liên doanh sản xuất ô tô tại Việt Nam. Dự án này chủ yếu sản xuất mẫu xe nhỏ, tỷ lệ nội địa hóa được nâng cao dần để đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Mặc dù tồn tại những bất đồng giữa Bộ Tài chính và Bộ Công Thương trong việc tính thuế với ôtô, các DN vẫn bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ.
“Đó chính là lý do mà chúng tôi thúc đẩy mạnh mẽ việc lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước, nhất là trong bối cảnh AFTA đang đến gần”, ông Đức cho hay.
“Chiến lược phát triển công nghiệp ô tô đến 2025, tầm nhìn 2035 đã được Chính phủ phê duyệt. Nếu không có chính sách ưu đãi mạnh mẽ để khuyến khích DN đẩy mạnh sản xuất ô tô trong nước thì nó sẽ thất bại", ông Đức nhận xét.
Trước hết, chính sách cần hướng tới phát triển thị trường để đạt quy mô về sản lượng thì sản xuất mới có hiệu quả. Trong lúc thị trường chưa đủ lớn, phải có những ưu đãi phù hợp về thuế, phí, tín dụng cũng như xây dựng các hàng rào phi thuế quan để bảo hộ cho sản xuất trong nước. Theo ông Trần Bá Dương, chính sách hỗ trợ cần cụ thể và sớm được ban hành để DN yên tâm sản xuất.
Mục tiêu của ngành công nghiệp ô tô là đẩy mạnh và nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Muốn vậy, cần phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, để có ngành công nghiệp hỗ trợ, trước hết cần duy trì được sự tồn tại của các DN lắp ráp ô tô. Không có lắp ráp, không thể có sản xuất linh kiện. “Nếu DN thấy lắp ráp không hiệu quả, bỏ đi thì mọi chiến lược hay quy hoạch đều chấm hết”, ông Dương nhấn mạnh.
Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc Vinaxuki, cho biết, qua điều tra tại nông thôn có tới 50% số hộ gia đình mong có ô tô để chở hàng hóa và đi lại, ở thành phố 80% mong muốn có ô tô để đi lại. Tuy nhiên, giá ô tô ở Việt Nam hiện quá đắt. Muốn có xe rẻ thì phải giảm thuế, phí, hỗ trợ DN sản xuất. Nhưng đến nay, điều này vẫn chưa được thực hiện.
Mới đây, Bộ Công Thương muốn giữ thuế suất thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ Đông Nam Á ở mức 50% đến hết 2017 và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt cho dòng xe nhỏ còn 20-25%, nhưng Bộ Tài chính không đồng tình, muốn làm ngược lại, giảm nhanh thuế nhập khẩu và giữ nguyên thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức cao như hiện nay. Như vậy, chính sách thuế nếu không khuyến khích sản xuất trong nước và tiêu dùng thì chiến lược, quy hoạch có hay đến mấy cũng chỉ tồn tại trên giấy mà thôi, ông Huyên nhận định.
Hầu hết các DN ô tô cho rằng việc phát triển công nghiệp ô tô vẫn chưa muộn, vấn đề là cần có chính sách đột phá. Hiện các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia có ngành công nghiệp ô tô khá phát triển, sản lượng lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao. Trong khi đó, Việt Nam mới chỉ là bắt đầu, sản lượng thấp, tỷ lệ nội địa hóa cũng rất thấp, khó cạnh tranh.
Theo Trần Thủy