Làn sóng nhà đầu tư mới tới Việt Nam

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Trung Quốc đang có xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam. Do đâu dẫn tới việc này, để tận dụng cơ hội, Việt Nam cần làm gì?

Bỏ đi vì giá nhân công và bất ổn

GS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho biết, xu hướng dòng vốn FDI rút khỏi Trung Quốc là rõ. Các nhà đầu tư FDI bao giờ cũng nhắm vào những nước có lao động giá rẻ, xã hội ổn định hơn. 

“Khi quan hệ Nhật - Trung có những bất đồng về chủ quyền biển đảo, sự kiện biển Đông, giá nhân công Trung Quốc tăng cao, ổn định xã hội kém đi…, một số nhà đầu tư đã rời bỏ nước này sang đầu tư tại các thị trường khác ổn định hơn, nhân công rẻ hơn, như khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam”, GS Nguyễn Mại nói.

Ông dẫn chứng, đầu năm 2014, một số hợp đồng lớn về giày da, may mặc của các hãng như Niken, Puma… trước đây gia công ở Trung Quốc đã chuyển sang Việt Nam. Nhờ đó giúp ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng mạnh, đạt 11,5 tỷ USD (tăng 19%) và chỉ kém xuất khẩu điện thoại và linh kiện 1,7 tỷ USD.

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, ngoài lý do giá nhân công tăng, vấn đề địa chính trị, vốn FDI rời Trung Quốc một phần bởi bản thân Trung Quốc muốn chuyển đổi cách thức tăng trưởng. “Trung Quốc cũng muốn tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn”, ông Thành nói. Do đó, theo ông Thành, dòng vốn FDI rời khỏi Trung Quốc là tất yếu. 

Rời Trung Quốc, các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn ASEAN nhờ giá lao động rẻ hơn, đang cải cách mạnh, các hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian tới, như: Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP); Cộng đồng kinh tế ASEAN; Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN; Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… “Những hiệp định mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương, dịch chuyển các nhân tố sản xuất. Cùng với đó, sẽ giảm chi phí giao dịch, vận chuyển”, ông Thành nói.

PGS.TS Tạ Lợi, Trưởng bộ môn Kinh doanh Quốc tế (ĐH Kinh tế Quốc dân) bổ sung, khi các nhà đầu tư dồn vốn vào Trung Quốc, nước này trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Tuy nhiên, điều này cũng khiến các tập đoàn đa quốc gia bị phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. “Các tập đoàn Bắc Mỹ, châu Âu đã nhận ra và dần chuyển khỏi Trung Quốc từ vài năm trước. Tuy nhiên, nhà đầu tư Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… nhận diện muộn hơn”, TS Lợi nói. Ngoài ra, các vấn đề sở hữu trí tuệ cũng đặt các tập đoàn đa quốc gia phải tính toán lại việc đầu tư vào quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Làn sóng nhà đầu tư mới tới Việt Nam - 1

Nhà máy thứ 2 tại Việt Nam của Tập đoàn Ariston Thermo (Italia) vừa đưa vào hoạt động tại Bắc Ninh. Ảnh: L.H.V

Cơ hội cho Việt Nam

Theo Báo cáo Đầu tư thế giới năm 2014 (WIR) của Văn phòng Tổ chức Thương mại và Phát triển của Liên Hợp Quốc, thời điểm trước năm 2012, FDI vào Trung Quốc chiếm khoảng 30% tổng vốn FDI vào các nước đang phát triển. Tuy nhiên, từ năm 2013, thị phần vốn FDI vào Trung Quốc bắt đầu giảm và chuyển sang các nước đang phát triển khác, đặc biệt khối ASEAN.

Một báo cáo mới đây của Nhật Bản cho biết, vốn FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc trong nửa đầu năm nay giảm 48,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Năm 2013, FDI của Nhật Bản vào Trung Quốc là 9,3 tỷ USD; trong khi đổ vào các nước ASEAN lên tới 22,9 tỷ USD (tăng 2,5 lần so với vào Trung Quốc).

Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cũng hé mở: Việt Nam đã trở thành quốc gia ưu tiên nhất của nhà đầu tư Nhật. Hiện, 30% doanh nghiệp (DN) Nhật đầu tư ra nước ngoài đang cân nhắc Việt Nam như một lựa chọn hàng đầu. Ngoài ra, 70% DN Nhật đầu tư vào Việt Nam cũng có kế hoạch mở rộng kinh doanh trong năm nay.

Mới đây, trao đổi với Tiền Phong, ông Paolo Merloni - Chủ tịch Tập đoàn Ariston Thermo (Italia) nói: “Chúng tôi mở rộng đầu tư tại Việt Nam không phải giá nhân công rẻ. Nếu vì lao động rẻ có thể đầu tư vào Indonesia - nơi có giá rẻ hơn. Lựa chọn Việt Nam vì có thị trường tiềm năng và từ đây mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực”. Hồi tháng 4, tập đoàn này đã khánh thành nhà máy thứ 2 tại Bắc Ninh với vốn đầu tư hơn 14 triệu Euro, 70% sản phẩm nhà máy phục vụ trong nước, 30% xuất khẩu.

Theo GS Nguyễn Mại: “Việt Nam không chỉ có công nhân giá rẻ chuyên gia công, mà còn có công nhân công nghệ cao”. Ngoài trường hợp của Samsung, LG, mới đây Intel cũng chuyển nhà máy sản xuất chíp từ Costarica sang Việt Nam; Nokia cũng đang tính chuyện sẽ đặt đại bản doanh sản xuất điện thoại ở Việt Nam…

Tuy vậy, ông cũng lưu ý: Việc tận dụng cơ hội từ dòng vốn FDI để phát triển sản xuất trong nước, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển giao công nghệ, kỹ năng quản lý… đang là vấn đề nan giải với DN Việt. Như với Samsung, dù có 93 DN trong nước cung ứng thiết bị, nhưng chỉ có 8 DN của Việt Nam (86 DN còn lại đều là FDI).

Theo TS Tạ Lợi, những lĩnh vực sẽ thu hút nhiều vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc vào Việt Nam là dệt may, giày dép, điện, điện tử, du lịch… do đây là những lĩnh vực Việt Nam có lợi thế về lao động giá rẻ hơn Trung Quốc. “Tuy vậy, Nhà nước cần thay đổi tư duy từ quản lý sang tư duy dịch vụ công. Do tư duy quản lý nên chính sách lúc lỏng, lúc chặt thiếu đồng bộ, như ban ơn cho DN”, TS Lợi nói.

Theo thống kê của Bộ KH&ĐT, lũy kế tới tháng 7/2014, các dự án FDI còn hiệu lực của Nhật Bản vào Việt Nam vẫn nhiều nhất với 11,7 tỷ USD, Hàn Quốc xếp sau khi kém 1,5 tỷ USD. Những năm gần đây Việt Nam chào đón hàng loạt dự án FDI tỷ USD cả phương Tây lẫn khu vực châu Á, như: Formosa, Samsung, Intel, LG, lọc hóa dầu Nghi Sơn…