Làm mắc-ca, các hộ dân được gì?

Các chủ đầu tư đưa ra loạt kế hoạch, cam kết để các hộ dân tại Tây Nguyên có thể yên tâm theo đuổi dự án.

Làm mắc-ca, các hộ dân được gì?

Sau hội thảo này, Him Lam sẽ triển khai xây dựng nhà máy chế biến sản phẩm mắc-ca, cam kết bao tiêu và mua bảo hiểm cho các hộ dân.

Sáng 7/2, tại Đà Lạt, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, Ban Kinh tế Trung ương cùng UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo về chiến lược phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên.

Tại nơi tổ chức, nhiều người phải len chân mới có thể tìm một chỗ đứng theo dõi hội thảo này.

Như những thông tin đưa ra thời gian qua, hai đối tác Công ty Cổ phần Him Lam và Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) một lần nữa giới thiệu về đề án đầu tư trên 20.000 tỷ đồng phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên, chính thức triển khai từ năm 2015.

Đáng chú ý, đại diện hai nhà đầu tư trên cùng đưa ra những cam kết, được cho là cần thiết để thuyết phục người dân tham gia chương trình của mình.

"Không chỉ bàn, mà làm luôn"

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch LienVietPostBank, chỉ nói rất ngắn gọn: "Tại đây chúng ta sẽ không chỉ bàn, mà làm luôn".

Đó là kế hoạch 5 năm gây dựng vùng nguyên liệu 250.000 ha cây mắc-ca, bao gồm cả trồng xen và trồng thuần. Tổng chi phí đầu tư dự tính khoảng 29.000 tỷ đồng, trong đó tổng nguồn tín dụng ước tính khoảng 22.900 tỷ đồng.

Hai đối tác trên sẽ thu xếp nguồn vốn, cùng tuyên bố sẽ thực hiện chính sách ưu đãi lãi suất, với kỳ hạn cho vay các hộ dân khoảng 10 năm.

Ông Hưởng cũng nói rằng, các tính toán cho thấy, trong vòng 10 năm nữa lượng cung từ kế hoạch trên vẫn được xem là "hàng hiếm".

Liên quan đến nguồn vốn, tại hội thảo, ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), đề cập đến khả năng sẽ có sự hỗ trợ nhất định.

Theo ông Đông, từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai chương trình thí điểm cho vay các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Sắp tới, cơ quan này sẽ tổng kết để tiến tới chính thức mở rộng trên toàn quốc.

Đề án của Him Lam và LienVietPostBank nằm trong hướng ưu tiên của chương trình đó. Ngân hàng Nhà nước mong muốn nó phát triển bền vững, mở rộng để góp phần tái cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống người dân.

"Các anh cứ làm. Ngân hàng Nhà nước sẽ nghiên cứu chính sách hỗ trợ vốn, như cho vay tái cấp vốn đối với cá tra, trồng và thu mua lúa gạo, đóng tàu…", Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế nói.

Nhưng, ông cũng lưu ý rằng, như với chương trình tái canh cây cà phê cũng tại Tây Nguyên, chương trình phát triển mắc-ca này cần có thêm sự phối hợp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quy hoạch, xây dựng các quy chuẩn tạo giống và chăm sóc.

Bộ Công Thương hướng dẫn việc chế biến, làm sao để chế biến sâu và thực sự tạo nên được các chuỗi giá trị từ hạt mắc-ca. Cùng đó, công tác thị trường, định hướng tiêu thụ… cũng cần bám sát việc sản xuất của người dân.

Các cam kết cần thiết

Ngoài các thông tin kỹ thuật và dữ liệu về tiềm năng phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên, được xem là lý tưởng, ông Dương Công Minh, Chủ tịch Him Lam, còn nhấn mạnh đến yếu tố niềm tin của người dân ở chương trình này.

Như để chuyển tải niềm tin của chính mình, ông Minh cho biết trong thời gian qua Him Lam đã làm thật rồi. Họ đã xây dựng các vùng tạo giống, thuê các chuyên gia của Mỹ và Úc về trực tiếp làm việc.

Và để nhấn mạnh cho yêu cầu làm thật này, Chủ tịch Him Lam tiết lộ đã bỏ ra 150.000 USD mỗi tháng để thuê 5 chuyên gia về làm cho mình.

Cùng với khâu tạo giống, ông Minh cho biết, ngay sau hội thảo, Him Lam sẽ triển khai ngay việc xây dựng nhà máy và lập quy trình chế biến hạt mắc-ca, sẵn sàng khâu này ngay từ đầu ngay cả cho hướng xuất khẩu.

Cũng như thông tin từ ông Hưởng, là Chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, ông Dương Công Minh một lần nữa khẳng định sẽ xây dựng và triển khai chính sách cho vay lãi suất ưu đãi. Điều này được xem là cần thiết, khi cây mắc-ca từ khi trồng mới đến mùa khai thác đầu tiên thường phải mất 5 năm.

Để các hộ dân tin tưởng hơn, cùng với cam kết xây dựng nhà máy và bao tiêu sản phẩm, Him Lam cho biết trước mắt sẽ đứng ra mua bảo hiểm nông nghiệp cho các hộ dân, đảm bảo an toàn cho họ chuyên tâm tham gia chương trình. Sắp tới, Công ty Bảo hiểm Liên Việt sẽ được thành lập để trực tiếp làm công tác này.

Tại hội thảo, ông Dương Công Minh cũng đề xuất được thành lập ngay Hiệp hội Mắc-ca Tây Nguyên. Đây là đầu mối tập hợp các doanh nghiệp, các hộ dân để tổ chức, phối hợp và hướng dẫn trồng vùng nguyên liệu, chế biến và làm công tác thị trường.

Trên bàn chủ tọa hội thảo, trước kế hoạch và những cam kết trên, cũng như qua nghiên cứu tham luận của các nhà khoa học trong và ngoài nước, qua tìm hiểu thực tiễn một số mô hình đã thành công, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, ông Vương Đình Huệ lạc quan: "Hôm nay, chúng ta hoàn toàn có quyền mộng mơ và tin tưởng về một vị thế xứng đáng của mắc-ca Việt Nam trên bản đồ mắc-ca khu vực và thế giới".
  • Bộ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Nguyên đưa ra định hướng phát triển mắc-ca tại khu vực Tây Nguyên...

  • Một hội thảo lớn về phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên đã diễn ra ở Đà Lạt sáng 7/2...

  • Người trực tiếp xây dựng và triển khai nói gì về triển vọng phát triển cây mắc-ca tại Tây Nguyên?...