Làm gì trước giá điện tăng ?

Mới đây, Thường trực Chính phủ đã họp và đồng ý tăng giá bán điện 7,5%, lên mức 1.622,05 đồng/kW giờ từ ngày 16-3-2015.

Chung quanh vấn đề tác động của giá điện mới đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế một số ngành sản xuất tiêu thụ điện lớn như xi-măng, thép.

Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết, biểu giá điện lần này có tính đến ảnh hưởng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách. Kinh phí từ ngân sách nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội dự kiến tăng thêm mỗi năm là 153 tỷ đồng (hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng). Biểu giá lần này cũng đã tính đến mức tăng giá điện sinh hoạt cho các hộ dân có mức tiêu thụ điện năng sinh hoạt thấp với mức tăng cho 50 kW đầu tiên là 6,92%, từ 51 đến 100 kW là 6,98%, thấp hơn mức tăng bình quân 7,5%. Tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 50 kW giờ/tháng là khoảng 4.800 đồng; tiền điện tăng thêm bình quân của mỗi hộ tiêu thụ 100 kW giờ/tháng là 9.800 đồng; tỷ lệ tăng giá thành sản xuất đối với một số sản phẩm có mức tiêu thụ điện cao như thép, ximăng dự kiến khoảng từ 0,07% đến 0,66%. Riêng đối với giá điện cho nhóm khách hàng kinh doanh, dịch vụ, Bộ Công thương kiến nghị xem xét điều chỉnh giảm giá bán điện cho khách hàng kinh doanh, dịch vụ ở mức thấp hơn mức tăng bình quân 7,5%.

Nguồn cung xi-măng đã vượt xa cầu, cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Do vậy, bất cứ một tác động nhỏ nào ảnh hưởng giá cả đều gây bất lợi cho kế hoạch sản xuất, kinh doanh, nhất là các yếu tố đầu vào như điện, than... Đánh giá về việc tăng giá điện sắp tới, Chánh Văn phòng Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) Nguyễn Thanh Tùng cho biết, giá điện chiếm tỷ trọng khoảng hơn 10% giá thành sản phẩm xi-măng. Khi giá điện tăng sẽ kéo theo hàng loạt chi phí, dịch vụ khác tăng theo, tác động kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp xi-măng. Quan điểm của Vicem là không "tát nước theo mưa", tiếp tục tăng cường các giải pháp tiết kiệm nhằm bình ổn giá cả. Tổng công ty đang tập trung nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, từng bước "chuẩn hóa" các công đoạn sản xuất, tiêu thụ. Xi-măng Vicem Hà Tiên 1 sẽ là đơn vị tiên phong áp dụng các giải pháp chuẩn, nâng cao hoặc giảm thiểu các khâu sản xuất, kinh doanh, phân bổ tài chính cho từng giai đoạn một cách hiệu quả nhất... Từ đó, các đơn vị thành viên khác có thể so sánh, tập trung chuyển đổi theo hệ thống chuẩn hóa này, thậm chí sẽ phải thay đổi một số hệ thống dây chuyền, thiết bị để đạt đúng chuẩn.

Cùng chung nhận định, Phó Tổng Giám đốc Vicem Hà Tiên 1 Hà Văn Yên đánh giá, ngành xi-măng tiêu thụ lượng điện năng khá lớn. Đơn cử như trạm nghiền Bình Phước, thanh toán tiền điện năm 2014 là hơn 18 tỷ đồng, dự kiến năm nay khoảng 22 tỷ đồng. Vì vậy, đương nhiên tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của đơn vị. Hiện nay, công ty đẩy mạnh chương trình tiết kiệm năng lượng thông qua việc rà soát toàn bộ hệ thống sản xuất, tăng cường hợp lý hóa sản xuất nhằm nâng cao năng suất, giảm tiêu hao nguyên nhiên liệu và điện năng. Chẳng hạn như tại trạm nghiền Bình Phước, các hệ thống máy điều hòa đều được đặt chế độ 7 giờ sáng bật, 4 giờ chiều tắt; hệ thống khí nén cũng được đặt chế độ tương tự nhằm tiết kiệm chi phí điện năng. Đồng thời, đẩy nhanh lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt khí thải lò nung để phát điện và hệ thống động cơ biến tần cho các công đoạn tiêu hao nhiều điện năng. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất là vốn.

Đối với ngành thép, theo đại diện Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel), trong khối sản xuất của VnSteel, sản xuất phôi lò điện (luyện phôi từ thép phế liệu) sẽ chịu tác động lớn. Hiện tại, tình hình tiêu thụ thép không khả quan, các DN thép đang bị sức ép cạnh tranh rất lớn từ Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực, chi phí sản xuất đầu vào tăng nhưng giá bán sản phẩm không tăng, càng đẩy DN thép đến chỗ khó khăn.

Công ty Thép Miền Nam là đơn vị chủ lực của VnSteel tại khu vực phía nam, chiếm thị phần tiêu thụ khá lớn, khoảng 70 nghìn tấn/năm. Tổng Giám đốc Thép Miền Nam Nguyễn Đình Phúc lo lắng, theo tính toán của cơ quan chức năng, giá điện tăng tác động đến ngành thép dao động từ 0,07 đến 0,66%, tỷ lệ này tưởng nhỏ, song với đặc thù một ngành sản xuất sử dụng điện nhiều, con số chi phí thực tế mà DN phải chịu rất lớn. Giá thành điện trong luyện phôi thép từ lò điện của đơn vị dao động khoảng 750 đến 800 nghìn đồng/tấn (tùy công nghệ), nếu giá điện tăng 7,5%, bình quân mỗi tấn thép sẽ tăng lên khoảng 55 đến 70 nghìn đồng/tấn. Đối với cán thép, tiêu thụ điện khoảng 145 đến 200 nghìn đồng/tấn, nếu giá điện tăng, mỗi tấn thép cán chịu thêm chi phí 10 đến 15 nghìn đồng. Tính chung, mỗi tấn thép sẽ phải "cõng" thêm khoảng 65 đến 85 nghìn đồng và với mức tiêu thụ 70 nghìn tấn, DN mỗi năm phải chi thêm khoảng năm tỷ đồng. Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại -Sản xuất Thép Việt Đỗ Duy Thái băn khoăn: Tính toán tác động của tăng giá điện lên ngành thép và xi-măng nêu trên là chưa có cơ sở, bởi công nghệ sản xuất của từng nhà máy khác nhau, giá thành nguyên vật liệu đầu vào cũng biến động lớn, không có công thức nào để tính toán được ra con số này. Thép Việt sử dụng công nghệ mới, hiện đại, luyện thép tiêu thụ 355 kW giờ/tấn, trong khi các DN khác sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu, phải tiêu thụ khoảng 550 đến 600 kW giờ/tấn.

Theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, trong cơ cấu giá thành ngành thép, tiền điện chiếm khoảng 6 đến 7%. Trong tổng công suất 10 triệu tấn thép/năm, có 70 đến 80% phôi thép được sản xuất bằng điện. Theo thống kê, một tấn phôi được sản xuất ra tốn 400 đến 500 kW giờ điện nếu sử dụng công nghệ hồ quang, và khoảng 600 kW giờ điện nếu sử dụng công nghệ lò điện cảm ứng. Như vậy, giá điện tăng ở mức 7,5% thì sẽ tốn thêm 30 đến 45 kW giờ điện để sản xuất một tấn phôi thép. Nếu áp dụng công nghệ lò cao (như thép Hòa Phát), tỷ lệ sử dụng điện sẽ thấp hơn. Giai đoạn này, các DN thép đang phải căng mình chống chịu "làn sóng" thép nhập từ Trung Quốc, cho nên hết sức khó khăn. Việc tăng giá điện 7,5% sẽ khiến các doanh nghiệp thép hết sức khó khăn song buộc phải chấp nhận. Đây cũng là hoàn cảnh bắt buộc để các DN phải cơ cấu lại sản xuất, loại bỏ các công nghệ, dây chuyền cũ kỹ lạc hậu, đầu tư áp dụng công nghệ mới tiêu tốn ít điện năng. Cơ chế thị trường là vậy, DN nào năng lực yếu kém, công nghệ lạc hậu không có khả năng cải tạo, sẽ bị triệt tiêu.

Trong khi đó, tìm hiểu thêm tại Công ty cổ phần Cơ điện Trần Phú (Trafuco) - doanh nghiệp chuyên sản phẩm chủ lực là các loại dây cáp điện công nghiệp và dân dụng, chúng tôi được Phó Tổng Giám đốc Trafuco Nguyễn Việt Cường cho biết, tổng tiền điện mỗi tháng của Trafuco vào khoảng 1,1 tỷ đồng. Mặc dù chưa có biểu giá chính thức, song, dự kiến tiền điện của đơn vị sẽ tăng thêm 80 triệu đồng/tháng. Từ trước tới nay, công ty luôn áp dụng triệt để các biện pháp tiết kiệm điện. Với lần tăng này, trước mắt Trafuco không thể tăng giá sản phẩm, mà chỉ có thể siết chặt hơn nữa sử dụng điện, tăng năng suất lao động để bù vào phần tăng giá điện...