Nền kinh tế các quốc gia xuất khẩu dầu ở vùng Vịnh đang chịu tác động ngày càng lớn từ sự giảm mạnh của giá dầu. Tuy vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, các nước này vẫn sẽ "sống khỏe" nhờ tiềm lực tài chính dồi dào.
Hãng tin CNBC dẫn một báo cáo do Viện Tài chính Quốc tế (IFF) công bố mới đây dự báo, ngân sách của các nước xuất khẩu dầu thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) sẽ thâm hụt 7,7% GDP trong năm nay do tác động của việc giá dầu thô Brent biển Bắc tại thị trường London giảm 50% trong vòng 1 năm trở lại đây. Trong những năm gần đây, ngân sách của các nước này liên tục thặng dư ở mức hai con số phầm trăm.
Saudi Arabia, nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, được dự báo sẽ có thâm hụt cán cân vãng lai lần đầu tiên trong một thập kỷ trong năm nay - theo báo cáo.
Trong khi đó, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), nước xuất khẩu dầu lớn thứ 8 thế giới, được dự báo sẽ chuyển sang thâm hụt tài khóa ở mức 4,3% GDP trong năm 2015 từ chỗ thặng dư 6,7% trong năm 2014.
Tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody's cũng bày tỏ mối quan ngại tương tự trong một báo cáo mới đây. "Các nước xuất khẩu ròng dầu lớn như Oman, Bahrain và Saudi Arabia có thể sẽ chứng kiến cán cân tài khóa và cán cân vãng lai xấu đi nhiều hơn cả trong năm nay. Hai cán cân này của các nước nói trên sẽ chuyển từ cùng thặng dư sang cùng thâm hụt".
Tuy vậy, các chuyên gia vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của nền kinh tế vùng Vịnh trong những năm tới.
"Trong ngắn hạn, dự trữ ngoại hối dồi dào và mức nợ thấp của các nước GCC sẽ làm giảm bớt tác động bất lợi của giá dầu giảm đối với các hoạt động kinh tế, đồng thời cho phép tiếp tục tăng chi tiêu công dù với tốc độ chậm hơn so với những năm gần đây", báo cáo của IFF có đoạn viết.
Báo cáo này không cho rằng giá dầu giảm sẽ khiến các chính phủ ở vùng Vịnh phải cắt giảm chi tiêu, bởi các nước trong khu vực này có dự trữ ngoại hối lớn. Tổng mức dự trữ ngoại hối của các nước GCC ước tính lên tới 2,2 nghìn tỷ USD, trong khi tổng mức nợ của các chính phủ trong khu vực chỉ vào khoảng 13% GDP.
Thậm chí trong kịch bản xấu nhất được đặt ra cho Saudi Arabia, Moody's dự báo dự trữ ngoại hối của nước này chỉ giảm xuống mức 617 tỷ USD, từ mức 734 tỷ USD hiện nay. "Cho dù giảm như vậy, dự trữ ngoại hối của Saudi Arabia vẫn thừa để giúp nước này vượt qua một năm thâm hụt lớn khác do giá dầu giảm", Moody's nhận xét.
Xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD trong những phiên giao dịch gần đây cũng không có nhiều ảnh hưởng đối với tỷ giá đồng tiền của các nước vùng Vịnh nếu so với đồng tiền của các nước sản xuất dầu lớn khác.
Trong vòng một tháng qua, chỉ số Dollar Index, thước đo sức mạnh đồng USD, tăng 6%, trong khi các đồng Riyal của Saudi Arabia, Dirham của UAE và Dinar của Bahrain đều đi ngang so với USD. Trái lại, đồng Rúp Nga và đồng Naira của Nigeria cùng mất giá 2% so với USD trong khoảng thời gian trên.
Tất cả các nước GCC, trừ Kuwait, đều neo buộc tỷ giá đồng tiền vào đồng USD. Tuy vậy, bất chấp giá dầu giảm sâu, ngân hàng trung ương các nước này vẫn tuyên bố chưa phải vội thay đổi điều chỉnh tỷ giá.
"Đồng tiền của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản thường chịu sức ép mất giá mỗi khi giá hàng hóa giảm. Tuy vậy, dự trữ ngoại hối rất lớn của các nước GCC đến nay đã cho phép các nước này chống lại được áp lực phải giám giá đồng nội tệ do biến động giá dầu", Moody's nhận xét.