Vậy năm 2015, diễn biến nào sẽ xảy ra cho ngành sữa Việt Nam, và ứng xử của cơ quan quản lý thế nào?/ Khi người nuôi bò phải đổ sữa.NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Tống Xuân Chinh (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) về vấn đề này.
Thưa ông, đến thời điểm này, đã biết yếu tố nào khiến giá sữa thế giới tụt rất mạnh từ cuối năm 2014?
Qua tìm hiểu từ Hiệp hội Sữa thế giới và Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, giá sữa tháng 1/2015 giảm trên 50% so với giá sữa tháng 1/2014 có thể do tác động trực tiếp của giá dầu thô giảm và vấn đề cấm vận thương mại giữa Liên bang Nga và EU. Theo tính toán của các chuyên gia ngành sữa, mỗi lít sữa lỏng được hoàn nguyên từ sữa bột trong tháng 1/2015 chi phí chỉ hết khoảng 6.300 đồng đến 6.500 đồng/lít.
Trong khi đó, giá sữa tươi nguyên liệu SX trong nước của Việt Nam đang được các DN thu mua ở mức 13.500 đồng/lít, cao hơn gấp đôi so với giá sữa lỏng hoàn nguyên từ sữa bột NK. Đây là cản trở lớn cho việc phát triển bền vững chăn nuôi bò sữa ở trong nước nếu sự minh bạch về nguồn gốc và chất lượng sữa không được kiểm soát hiệu quả.
Vậy năm 2015, liệu tình hình giá sữa có được cải thiện không?
Chúng tôi chưa có thông tin cụ thể về vấn đề này, tuy nhiên, giá sữa bột nguyên kem trên thị trường châu Âu hiện nay đã có dấu hiệu tăng lên từ đầu tháng 2/2015 với mức tăng so với đầu tháng 1 năm 2015 là 3,51% (từ 2.850 USD/tấn lên 2.950 USD/tấn), trong đó giá sữa tăng 7,41% ở thị trường châu Đại Dương. Đây là tín hiệu đáng mừng cho người chăn nuôi bò sữa.
Ông nói có tình trạng DN sữa trong nước NK sữa bột để hoàn nguyên. Vậy có bằng chứng nào không? Bởi DN sữa trong nước hiện nay lúc nào cũng nói sữa của họ 100% từ sữa bò tươi nguyên chất?
Theo báo cáo Tổng kết tình hình KT-XH năm 2014 của Tổng cục Thống kê, sản lượng sữa lỏng nước ta năm 2014 là 947,2 triệu lít. Trong khi tổng sản lượng sữa tươi nguyên liệu SX trong nước chỉ có 549,5 triệu lít.
Nếu trừ đi khoảng 20% người dân giữ lại để làm sữa chua và sử dụng tại chỗ, sẽ chỉ có khoảng 367,6 triệu lít sữa nguyên liệu SX trong nước được sử dụng làm sữa lỏng. Như vậy, còn lại khoảng gần 570 triệu lít sữa lỏng SX trong nước các DN sẽ lấy từ đâu ra, nếu không phải là có nguồn gốc từ sữa bột NK hoàn nguyên?
Theo số liệu mà chúng tôi có được, năm 2014, tỷ lệ sữa tươi nguyên liệu SX trong nước mới chỉ đáp ứng được khoảng trên 28% tổng nhu cầu nguyên liệu để SX sữa lỏng và tiêu dùng, còn lại đều phải NK sữa và các sản phẩm sữa, với giá trị NK năm 2014 lên tới 1,098 tỷ USD.
Có thể nói trong bối cảnh giá sữa bột nguyên liệu thế giới đang giảm sâu, thì tình trạng nhập nhèm giữa sữa lỏng có nguồn gốc từ sữa tươi nguyên liệu và sữa bột hoàn nguyên sẽ càng tạo sức ép gây khó khăn cho người chăn nuôi Việt Nam trong thời gian tới.
Tình trạng nhập nhèm này lâu nay dư luận cũng đã nói nhiều, nhưng hình như chưa có giải pháp nào quản lí hiệu quả, thưa ông?
Ở các nước phát triển như châu Âu, Bắc Mỹ, Nhật, Hàn Quốc…, sữa lỏng được SX từ 100% sữa bò tươi nguyên liệu phải được công bố rõ ràng minh bạch trên bao bì ở tất cả các loại sữa lỏng. Ở Việt Nam, theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn; Luật An toàn thực phẩm thì các DN sữa cũng buộc phải công bố công khai, minh bạch chất lượng sữa trên bao gói.
Sữa bột NK hoàn nguyên nhập nhèm đang khiến ngành bò sữa trong nước thêm khó khăn
Theo đó, DN phải công bố rõ các loại sữa lỏng của họ sử dụng bao nhiêu % sữa tươi nguyên liệu SX trong nước, bao nhiêu % nguyên liệu từ sữa bột hoàn nguyên, bởi sữa lỏng được SX từ 100% sữa tươi nguyên liệu có thành phần can xi, phốt pho, vitamin, enzym sinh học… cao hơn hẳn so với SX từ sữa bột hoàn nguyên. Luật Tiêu chuẩn Quy chuẩn hiện nay cũng có các quy chuẩn riêng đối với 2 chủng loại sản phẩm này.
Vấn đề là các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành phải tập trung để giám sát việc thực thi cam kết chất lượng của DN, đặc biệt là thanh tra giá thành SX sữa nước hoàn nguyên các dạng để buộc các DN sữa phải sử dụng sữa tươi nguyên liệu SX trong nước đúng như công bố chất lượng cơ sở trên bao bì.
Cụ thể, cần phải tập trung làm gì để lập lại quản lí tình trạng nhập nhèm này thưa ông?
Về quy định thương mại, các DN có quyền NK sữa bột để SX sữa lỏng hoàn nguyên và các sản phẩm sữa khác. Tuy nhiên, Bộ Y tế phối hợp với Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và các bộ liên quan cần sớm thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành thường xuyên về chất lượng sữa, đồng thời công bố tiêu chuẩn chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy đối với sản phẩm sữa ở một số DN sữa và công bố danh sách các DN không thực hiện đúng về các nội dung đã kiểm tra, thanh tra với các cơ quan truyền thông để người tiêu dùng biết, tẩy chay.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần sớm sửa đổi QCVN 5-1:2010/BYT đối với sản phẩm sữa dạng lỏng, trong đó cần quy định tỷ lệ sữa tươi nguyên liệu trong sản phẩm sữa tươi nguyên chất tiệt trùng, sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng. Mặt khác, Bộ NN-PTNT cần xem xét và phê duyệt xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa bò tươi nguyên liệu SX trong nước để làm cơ cở cho việc định giá sữa dựa trên chất lượng sữa giữa người chăn nuôi và đơn vị thu mua sữa.
Xin cảm ơn ông!
Cần sớm thành lập Ủy ban Quốc gia về sữa Mới đây, xảy ra nhiều sự việc như việc Cty sữa Quốc tế (IDP) điều chỉnh chính sách thu mua sữa, hay việc NM không mua sữa cho nông dân tại Lâm Đồng. Có giải pháp nào để giải quyết những sự việc tương tự không? Bên cạnh các giải pháp liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến, theo tôi, Chính phủ cần sớm cho phép thành lập Ủy ban Quốc gia về sữa, bao gồm đại diện của các cơ quan quản lý nhà nước, DN chế biến sữa, các tổ chức đại diện cho người chăn nuôi bò sữa và đại diện của người tiêu dùng. Ủy ban này sẽ thay mặt các bên liên quan để quản lý hoạt động thương mại và giải quyết tranh chấp trong ngành sữa. Chẳng hạn như khi xảy ra tranh chấp thu mua sữa tươi nguyên liệu ở một số địa phương, Ủy ban sẽ họp để có tiếng nói chung giữa các bên để giải quyết vấn đề. Ủy ban sữa Quốc gia cũng có tiếng nói quan trọng để tác động đến Chương trình quốc gia về sữa học đường, hạn ngạch XNK sữa bột, và các chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi bò sữa bền vững ở quy mô quốc gia… Ở các nước có ngành sữa phát triển hiện nay đều có Ủy ban kiểu này. |