Cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Tháp |
Vì vậy, xây dựng thương hiệu gạo Việt là một trong những việc làm cần thiết và cấp bách. Theo Đề án phát triển thương hiệu gạo VN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, vừa được Chính phủ thông qua, thương hiệu gạo quốc gia phải thể hiện bản sắc về văn hóa, lịch sử nền văn minh nông nghiệp, đất nước, con người VN và lợi thế của sản phẩm. Ưu tiên lựa chọn 3 giống đặc sản tại vùng ĐBSCL để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu gạo vùng, địa phương hướng tới trở thành thương hiệu gạo quốc gia bao gồm: giống jasmine, giống lúa thơm và giống nếp đặc sản. Phấn đấu đến năm 2020 hình ảnh gạo VN được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu; thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại VN và ít nhất 50 quốc gia; phấn đấu đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo VN. Đến năm 2030, gạo VN trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm, 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu VN. Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) sử dụng thương hiệu gạo quốc gia.
Thay đổi tư duy doanh nghiệp
Theo nhiều chuyên gia, việc xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần gắn với DN cụ thể bên cạnh việc phục tráng giống và tổ chức lại sản xuất, trong đó cần phải thay đổi tư duy làm ăn chụp giựt của không ít DN ngành này.
|
Một doanh nhân có thâm niên xuất khẩu gạo ở ĐBSCL (đề nghị không nêu tên) khẳng định quan điểm trên và phân tích: minh chứng điển hình cho câu chuyện này là những năm gần đây xuất khẩu gạo thơm phát triển tốt, năm 2014 đạt 1,3 triệu tấn nhưng khách hàng chính của phân khúc này là Trung Quốc, Hồng Kông. Đây là những thị trường dễ tính, dễ dãi nên rất nhiều trường hợp DN chiều theo ý của khách hàng trộn gạo thường vào gạo thơm để giảm giá. "Việc trộn gạo thường vào gạo thơm góp phần làm cho giá gạo thơm năm nay giảm khoảng 15% so với cùng kỳ năm trước. Bởi khách hàng truyền thống của chúng tôi cũng nhìn vào đó để yêu cầu giảm giá. Nguy hiểm hơn là rất có thể một lúc nào đó người ta tung tin đồn bất lợi về chất lượng gạo thơm của mình", vị doanh nhân này bức xúc và đặt vấn đề: "Chúng ta đều biết, nếu xây dựng thương hiệu thì phải bán đúng chất lượng, đúng giá để bảo vệ thương hiệu và uy tín của mình. Trong khi không có thương hiệu cũng vẫn làm ăn được nên ít ai muốn làm. Mặt khác, làm thương hiệu thì họ phải tốn thêm một khoản chi phí, công sức đầu tư cho vùng nguyên liệu".
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp VN, các DN không mặn mà với việc xây dựng thương hiệu do chiến lược kinh doanh từ hạt gạo thay vì từ hạt lúa như một số nước khác. "Chiến lược này xuất phát từ nền sản xuất manh mún của chúng ta. DN không có vùng nguyên liệu thì không đảm bảo được chất lượng nên họ chọn cách làm chắc ăn hơn là kinh doanh từ hạt gạo", GS-TS Bửu nói.
Tạo giống tốt, tổ chức lại sản xuất
Bên cạnh thay đổi tư duy của DN, theo ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty TNHH MTV nông nghiệp Cờ Đỏ, mấu chốt trong xây dựng thương hiệu gạo Việt là phải bắt đầu từ khâu làm giống. "Ví như giống jasmine mà đề án chọn để xây dựng thương hiệu chưa thực sự thuyết phục. Bởi lượng gạo thơm giống jasmine của VN xuất khẩu với số lượng khoảng 900.000 tấn nhưng có đến mấy chục dòng khác nhau. Bây giờ phải có một đơn vị được giao nhiệm vụ đứng ra phục tráng, thống nhất nó lại. Tuy nhiên, giống jasmine đã được trồng đại trà trên thế giới nên khó để tạo ra thương hiệu riêng cho gạo Việt. Nên lấy một số đặc tính của giống này làm chuẩn để lai tạo một giống khác của mình thì sẽ hợp lý hơn", ông Khải phân tích.
GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng nếu làm giống như đề án xây dựng là "thương hiệu gạo phải gắn với văn hóa, lịch sử, đất nước, con người" thì rất khó. Người tiêu dùng nhất là ở nước ngoài chỉ cần biết về chất lượng của gạo như thế nào, có an toàn không chứ ít ai quan tâm tới lịch sử, văn hóa trong hạt gạo đó. Theo GS Xuân, để có thương hiệu, trước hết phải thống nhất lại khâu làm giống nhằm đưa ra một chuẩn chung của hạt gạo về độ thơm, kích thước, hình dáng, năng suất...
Trong khi đó, GS-TS Bùi Chí Bửu cho rằng vấn đề khó hơn là nền sản xuất còn quá lạc hậu của VN. "Chuyện tổ chức lại sản xuất quy mô lớn là rất khó, vì chúng ta phát động phong trào cánh đồng lớn đã nhiều năm nay, tuy nhiên đến giờ diện tích vẫn chưa tới 100.000 ha. Nhưng chúng ta không thể không làm vì đó là xu hướng chung. Các nơi như Đài Loan, Hàn Quốc người ta cũng đi lên bằng các mô hình hợp tác xã kiểu mới. Ở đó nông dân được đào tạo để làm nông nghiệp. Lãnh đạo hợp tác xã là những người làm thuê cho xã viên và được đào tạo chuyên môn về kinh tế chứ không phải nặng về chính trị như cách làm hợp tác xã ở VN. Tôi cho rằng lộ trình của đề án đưa ra là chấp nhận được và chúng ta nên bắt đầu từ diện tích của cánh đồng lớn hiện nay rồi mở rộng dần ra", GS Bửu nói.