Không có cơ hội cho vàng lậu vào khuôn SJC

Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu giới buôn lậu muốn ăn đậm từ chênh lệch giá vàng thì phải dập được thành vàng nhãn hiệu SJC, còn nếu không thì "không ăn thua".

Nhưng bởi NHNN độc quyền dập vàng miếng nhãn hiệu SJC, nên TS. Nghĩa khẳng định, vàng lậu không có cửa để vào.

SJC chỉ làm theo đơn đặt hàng của NHNN

Thông tin được phóng viên TBNH cập nhật lúc 15 giờ ngày 20/11 cho thấy, giá vàng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giao dịch ở ngưỡng 35,22 triệu đồng/lượng - 35,34 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra) tại TP. Hồ Chí Minh và 35,36 triệu đồng/lượng (bán ra) tại thị trường Hà Nội. Mức giá này đã giảm 90.000 đồng/lượng cả chiều mua vào và bán ra so với chốt phiên 19/11. Cập nhật cùng thời điểm 10h07 giờ Việt Nam, giá vàng thế giới giao ngay đứng tại 1.182,61 USD/oz. Lúc này, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới ở ngưỡng 4,84 triệu đồng/lượng (tỷ giá Vietcombank ngày 20/11 lúc 10h08) chưa kể thuế và phí.


NHNN độc quyền dập vàng miếng nhãn hiệu SJC

Sự chênh lệch này đang được nhiều ý kiến cho rằng sẽ tạo động cơ cho giới buôn vàng đẩy mạnh nhập vàng lậu vào Việt Nam. Nhưng, theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nếu giới buôn lậu muốn ăn đậm từ chênh lệch giá vàng thì phải dập được thành vàng nhãn hiệu SJC, còn nếu không thì "không ăn thua". Nhưng bởi NHNN độc quyền dập vàng miếng nhãn hiệu SJC, nên TS. Nghĩa khẳng định, vàng lậu không có cửa để vào.

Tiết lộ với phóng viên TBNH hồi đầu năm, cũng vào thời điểm dấy lên tin đồn vàng lậu, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, quy trình sản xuất vàng miếng SJC rất chặt chẽ. Về nguyên tắc, máy móc sản xuất vàng miếng SJC trong trạng thái đóng. Chỉ khi NHNN yêu cầu sản xuất thì Công ty SJC mới mở máy sản xuất. Và trong quá trình sản xuất, sau mỗi ngày, máy móc đều được niêm phong.

Về phía SJC, ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng (Công ty SJC) khẳng định, đó là thực tế. Ông Tường còn cho biết khá cụ thể về quy trình sản xuất vàng miếng mà SJC đang thực hiện. Theo quy định, việc tổ chức, giám sát sản xuất vàng miếng được giao cho NHNN quản lý khuôn đúc và máy dập 24/24h, kể cả giữa ca nghỉ ăn trưa cũng phải niêm phong.

Mặt khác, Công ty SJC chỉ là đơn vị gia công vàng miếng. Khi có nhu cầu, NHNN sẽ gửi văn bản yêu cầu cho Công ty SJC, trong đó nêu rõ: khối lượng vàng miếng cần gia công; thời gian gia công, loại vàng miếng cần gia công… Sau khi tiếp nhận công văn này, SJC sẽ phải báo cáo bằng văn bản cho NHNN kế hoạch gia công. Suốt quá trình từ khi bắt đầu giao - nhận, kiểm định vàng nguyên liệu từ NHNN đến khi gia công và bàn giao sản phẩm đều được thực hiện dưới sự giám sát của Tổ Giám sát gia công vàng miếng của NHNN.

Kết thúc mỗi đợt gia công vàng miếng, NHNN sẽ thực hiện niêm phong khuôn sản xuất. Tất cả các quy trình này đều được thực hiện theo Quy chế quản lý khuôn sản xuất vàng miếng, máy dập vàng miếng do NHNN quy định và được giám sát kỹ lưỡng bằng hệ thống camera đã được NHNN lắp đặt. "Chính vì thế, không thể nào có chuyện vàng từ bên ngoài chui được vào công xưởng để được dập thành vàng SJC, chưa nói đến vàng lậu", ông Tường khẳng định.

"Từ khi tổ chức sản xuất vàng miếng SJC đến nay, ngay cả mức phí gia công vàng miếng trả cho DN, các điều khoản về số lượng vàng miếng cần gia công cũng do NHNN chủ động tính toán và yêu cầu. Công ty SJC đơn thuần chỉ là DN được chọn giao nhiệm vụ gia công vàng miếng chứ không có quyền quyết định gì trong quá trình sản xuất và phân phối vàng miếng. SJC cam đoan nếu có thông tin gì nói rằng vàng lậu "chui" được vào công xưởng của SJC thì đó chắc chắn là tin đồn nhảm, không hề có căn cứ" - ông Tường cho biết thêm.

Chính sách quản lý vàng đang phù hợp

Nhìn lại hơn 2 năm từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đi vào cuộc sống, nhiều đại biểu Quốc hội, chuyên gia đánh giá chính sách quản lý vàng của NHNN đã mang lại những kết quả tích cực. TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định, việc độc quyền thị trường vàng miếng nội địa và độc quyền nhập khẩu vàng là một trong những biện pháp quan trọng phục hồi dự trữ ngoại tệ quốc gia sau khi suy giảm rất mạnh vào cuối năm 2011.


Các biện pháp quản lý sắp xếp thị trường hợp lý không tạo cơ hội cho đầu cơ vàng

Điều này giúp cho việc kiểm soát được chảy máu ngoại tệ, ổn định thị trường vàng nội địa. So với thời điểm trước đây, cầu vàng trong suốt thời gian qua giảm khá nhiều. Biểu hiện rõ nét nhất là: "Lâu rồi không còn tái diễn cảnh rồng rắn xếp hàng mỗi khi thị trường vàng có biến động về giá", ông Nghĩa nói.

Theo chia sẻ của các nhà kinh doanh vàng lớn như SJC, Doji, thường thời gian cuối năm, nhu cầu mua vàng tăng nhưng hiện giao dịch vẫn rất ổn định, trung bình chỉ 500 - 700 lượng vàng/ngày. Một nhà vàng cho biết, cầu vàng phụ thuộc nhiều yếu tố như sức mua, kỳ vọng, lựa chọn khác thay thế...

Những yếu tố này tác động đan xen đến quyết định của người mua vàng. Về sức mua, rõ ràng năm 2014 kinh tế khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu mặt hàng xa xỉ. Còn kỳ vọng về giá vàng tăng để có thể đầu cơ cũng giảm mạnh so với những năm trước, bởi các biện pháp quản lý, sắp xếp lại thị trường của NHNN đã không cho họ cơ hội này. Và có thêm yếu tố quan trọng khách quan là diễn biến giá vàng thế giới không như mong đợi của NĐT.

Trong khi đó, lãi suất tiết kiện tuy đã giảm nhiều nhưng vẫn là kênh được nhiều người lựa chọn bởi sự an toàn và vẫn có mức sinh lợi đủ hấp dẫn. Đó là chưa kể không ít những người kinh doanh vàng miếng rời bỏ thị trường này vì tính hiệu quả thấp, nguồn tín dụng bị cắt…

Với một số ý kiến cho rằng độ chênh giá vàng nội - ngoại vẫn cao là chưa hợp lý trong chính sách quản lý thị trường vàng và đề xuất cần đến sự liên thông đối với giá vàng nội - ngoại để thu hẹp khoảng cách, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, không phải NHNN không "hiểu" được việc liên thông với quốc tế thì giúp giá vàng quân bình. Nhưng đây là một vấn đề hết sức nhạy cảm và cần phân tích đánh giá một cách toàn diện cả về hiện tại và hệ lụy chính sách thì mới có thể tính đến chuyện thả nổi thị trường vàng. Liệu đây đã là thời điểm chín muồi để thực hiện điều này?

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chỉ khi thị trường vàng, thị trường ngoại hối được kiểm soát và mức ổn định kinh tế vĩ mô thực sự vững chắc thì mới nên bàn đến vấn đề này.