Giảm giá xăng dầu vẫn chưa kịp thời và tương xứng với giá dầu thế giới. |
Trong 9 tháng năm 2014, Petrolimex đạt tổng lợi nhuận hợp nhất sau thuế 1.150 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh xăng dầu tại Việt Nam (không tính các hoạt động kinh danh xăng dầu ở nước ngoài) là 406 tỷ đồng. Trong 9 tháng, sản lượng xuất bán là 6,071 triệu mét khối - tấn, bằng 99% so với cùng kỳ năm 2013; lợi nhuận thực tế (trước thuế) đạt 67 đồng/lít,kg. |
Thiết nghĩ, thị trường xăng dầu trong nước cần phải minh bạch, linh hoạt hơn về giá. Cơ quan Nhà nước phải xem giá thế giới giảm bao nhiêu thì trong nước phải giảm tương ứng. Chỉ khi nào giá mặt hàng thiết yếu này được điều hành linh hoạt, kịp thời và đảm bảo minh bạch thông tin thì mới có thể tạo được niềm tin và sự đồng thuận trong dư luận. Bà Lê Thị Hồng - Cán bộ nghỉ hưu phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội Để thực hiện linh hoạt giá cả, thị trường, Nhà nước không nên can thiệp vào những điều đã quy định trong nghị định mà chỉ có trách nhiệm hướng dẫn minh bạch hơn cho các DN thực hiện, nếu không sẽ đi lại con đường của Nghị định 84. Ông Phan Thế Ruệ - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam |
Tính giá xăng dầu sao cho dân được lợi
Mức giảm giá xăng dầu trong nước thời gian qua vẫn được dư luận cho rằng chưa kịp thời và chưa tương xứng với giá thế giới. Trao đổi với báo giới gần đây, ông Trần Ngọc Năm - Tổng Giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng thừa nhận, tỷ lệ giảm giá xăng dầu trong nước và thế giới trong lần điều chỉnh gần nhất (ngày 7/11) chưa có sự cùng nhịp. Tuy nhiên, ông Năm lý giải, cần đánh giá tới các yếu tố tác động đến cơ cấu giá thành của mặt hàng xăng dầu như các loại thuế, phí và các khoản trích lập quỹ bình ổn giá… mà DN đang phải thực hiện theo quy định. Có nhiều thời điểm, khi giá xăng dầu thế giới tăng, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã phải giảm tỷ lệ trích quỹ bình ổn hoặc tăng mức chi quỹ bình ổn… như một công cụ để điều hành và ổn định thị trường xăng dầu. Ngoài ra, khi xác lập giá cơ sở để điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước thì liên Bộ có thể không tính hoặc chỉ tính một phần lợi nhuận định mức cho DN.
Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu đã có hiệu lực từ ngày 1/11/2014. Trước đây, Nghị định 84 tính bình quân giá 30 ngày theo chu kỳ tính giá và tần suất điều chỉnh giá là 10 ngày, còn Nghị định 83 quy định tần suất điều chỉnh giá là 15 ngày và tính giá bình quân cũng là 15 ngày. Nên nếu tính từ ngày điều chỉnh gần đây nhất là 7/11 thì phải đến ngày 22/11 mới giảm giá xăng dầu được.
Đại diện Petrolimex cho rằng, giá xăng dầu theo 30 ngày hay 20 ngày, 10 ngày không phải là mấu chốt vấn đề. Nếu tính giá bình quân 30 ngày thì mức độ, tần suất điều chỉnh giá xăng dầu trong nước sẽ chậm hơn giá thế giới. Bù lại, thị trường giá cả có sự ổn định. Còn nếu tính giá bình quân theo chu kỳ 20 ngày hay 10 ngày thì việc điều chỉnh giá rõ ràng sẽ nhanh hơn theo giá thế giới. Còn nếu tính giá theo một ngày thì thị trường trong nước hoàn toàn chạy theo thị trường thế giới. Tuy nhiên, cần có cái nhìn sòng phẳng ở câu chuyện này. Theo phân tích của lãnh đạo Petrolimex, điều chỉnh giá nhanh hay chậm thì cũng có cả chiều lên và xuống. Nếu giá giảm chậm thì cũng có nghĩa là sẽ có lúc tăng chậm, nếu giá giảm nhanh, giảm sâu thì cũng có nghĩa sẽ có lúc tăng nhanh, tăng mạnh. Đặc thù ở Việt Nam, giá xăng dầu trong nước không chỉ phụ thuộc vào giá thế giới mà còn phụ thuộc vào động thái điều hành thuế và quỹ bình ổn.
"Chưa kể về lý thuyết, DN được hưởng lợi nhuận định mức 300 đồng/lít xăng dầu. Trong trường hợp giá xăng dầu thế giới rơi nhanh quá, và DN phải dự trữ lưu thông, tồn kho cao thì khoản lỗ từ tồn kho rất khó có khả năng bù đắp bằng lợi nhuận định mức" - lãnh đạo Petrolimex cho biết thêm.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Nghị định 83 đề ra biên độ dao động giá dưới 3% thì DN được tự quyết giá theo tín hiệu thị trường nhưng lại cố định khoảng cách giữa 2 lần điều chỉnh giá là 15 ngày thì có thể khiến giá xăng rơi vào tình trạng bị dồn nén, điều hành giật cục. "Cái khó là hiện tại, ngân sách cho dự trữ xăng dầu hạn chế, chưa thể tách ra được dự trữ an ninh quốc gia và dự trữ của DN để tính giá. Giá xăng dầu trong nước vẫn đang chồng chéo quá nhiều mục tiêu" - ông Phong nói.
Chuyên gia Ngô Trí Long lại cho rằng, Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu đơn giản là sửa đổi phần "ngọn" của Nghị định 84 nên không mới và không có gì đột phá. Bản chất của Nghị định 83 mới chỉ là chia nhỏ biên độ biến động giá cơ sở. Và quyền định giá vẫn là DN, mà cụ thể là Petrolimex. Các biểu giá đều lấy số liệu từ tập đoàn này. Petrolimex lại đang chiếm thị phần chính trên "miếng bánh" kinh doanh xăng dầu. "Liên Bộ Tài chính - Công Thương quay lại với cách điều hành cũ là dựa trên báo cáo của DN để đưa ra quyết sách. Như vậy là trái với quy luật thị trường, là duy ý chí. Chắc chắn đến năm 2018, chậm nhất là 2019, thị trường xăng dầu phải mở cửa" - ông Long nhận xét.