Khô hạn "đốt" hàng ngàn tỉ đồng của dân Tây Nguyên

Thời tiết nắng nóng, không có mưa khiến tình trạng khô hạn trên địa bàn Tây Nguyên càng nghiêm trọng.

Dưới cái nắng nóng như đổ lửa, ông Trương Cúc ở thôn Nâm Xuân, xã Nâm N/ Dir, huyện Krông Nô (Đắk Nông) vừa lau mồ hôi vừa chỉ tay vào những gốc cà phê khô cằn vì thiếu nước. Ông Cúc cho biết từ tháng 9-2015 đến nay chưa có trận mưa nào lớn đủ cho một thùng chứa nước khiến 2 ha cà phê của gia đình ông lâm vào cảnh “khát” nước trầm trọng. Cà phê không được tưới nước nên năng suất giảm mạnh.

Ông Cúc dẫn chứng: Cách đây ba năm, mỗi năm dân trồng cà phê ở đây trung bình thu về 4 tấn/ha trở lên nhưng hai năm nay sản lượng giảm còn 2 tấn/ha. “Người dân nơi đây không dám đầu tư cho cây cà phê bởi chi phí đầu tư quá lớn, nhất là chi phí tưới nước, cộng với giá bán xuống thấp chỉ 31.000 đồng/kg (giảm 30% so với trước đây), người trồng chỉ huề vốn” - ông Cúc nói.

 Khô hạn

Nhiều hồ đập cạn kiệt vì hạn hán- Ảnh_ Trà Phương

 Khô hạn

Thiếu nước khiến cà phê khô héo- Ảnh: Trà Phương

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Krông Nô (Đắk Nông), Ea H’Leo (Đắk Lắk), Chư Păh (Gia Lai), hàng ngàn hecta diện tích cây trồng bị hạn hán rất nặng nề. Nhiều người dân trồng cà phê phải thuê người đào giếng sâu nhưng vẫn không có nước.

Anh Nam Hải, chủ vườn cà phê ở Chư Păh (Gia Lai), cho hay anh đã thuê thợ đào sâu hơn 100 m vẫn không có nước. Mỗi lần thuê thợ đào giếng, anh phải bỏ ra 2,2 triệu đồng/m. “Tôi bỏ ra mấy chục triệu đồng để khoan giếng mà không có giọt nước nào. Nếu tình trạng hạn hán kéo dài nữa, chắc nhà tôi phải chặt bỏ cà phê để chuyển qua trồng hoa màu thôi” - anh Hải ngậm ngùi.

Ngoài ra, hàng ngàn hộ dân cũng đang thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng. Bà con phải đi xa hàng chục cây số mua nước về dùng.

Ông Trương Công Hồng, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ hạn hán năm nay rất nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến năng suất cây trồng. Theo thống kê đến cuối năm 2015, hạn hán đã gây thiệt hại cho nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk hơn 2.000 tỉ đồng. Trong đó các loại cây công nghiệp chủ lực như cà phê chịu thiệt hại nặng nề nhất.

Do đó chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung phương án chuyển đổi cây trồng, thay thế cây cà phê bằng các loại cây ăn trái, hoa màu với tần suất sử dụng nguồn nước tưới ít.

 Khô hạn

 Khô hạn

Nhiều hồ đập cạn kiệt vì hạn hán- Ảnh_ Trà Phương

Khốc liệt nhất 60 năm

Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, hiện nay tỉnh có 9.272 ha cây trồng bị khô hạn, trên 5.300 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Còn theo UBND tỉnh Gia Lai, toàn tỉnh có 3.026 ha cây trồng bị hạn, một số địa phương xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt.

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Nguyên, mùa khô 2016 Tây Nguyên có thể đối mặt với hạn hán khốc liệt nhất trong vòng 60 năm. Năm tháng qua, Tây Nguyên hầu như không có mưa, các trận mưa trái vụ không xuất hiện như quy luật các năm và dự báo phải đến trung tuần tháng 6 mới có mưa trở lại.