Theo Tổng thống Rouhani, những nước chịu trách nhiệm cho sự sụt giảm giá dầu sẽ phải “hối tiếc” vì điều đó. “Nếu Iran bị tổn thương vì giá dầu thì những nước sản xuất dầu mỏ khác như Cô-oet và Ả Rập Xê Út sẽ bị tổn thương nhiều hơn”.
Ả Rập Xê Út, nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, và nước láng giềng Cô-oet đã phản đối những nỗ lực không thành của Iran trong việc thuyết phục Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cắt giảm sản lượng trong cuộc họp này 27/11/2014.
Sản lượng xuất khẩu dầu thô của Iran đã bị kiềm chế do những lệnh trừng phạt quốc tế bắt nguồn từ chương trình hạt nhân của quốc gia này. Theo số liệu của hãng tin Bloomberg, nước này sản xuất 2,77 triệu thùng dầu/ngày trong tháng 12/2014, giảm so với mức bình quân 3,58 triệu thùng/ngày trong năm 2011.
Giá dầu đã giảm gần 50% trong năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, do tình trạng dư cung mà theo ước tính của Tiểu Vương quốc Các nước Ả Rập Thống nhất (UAE) là 2 triệu thùng/ngày.
Giá dầu Brent
OPEC hiện đang cạnh tranh với sự bùng nổ khai thác dầu của Mỹ bằng cách từ chối cắt giảm mục tiêu sản lượng, báo hiệu tổ chức này sẵn sàng để giá dầu hạ xuống mức có thể làm suy giảm tăng trưởng sản lượng tại Mỹ, hiện ở mức cao nhất trong 3 thập kỷ.
Tổng thống Rouhani cho biết giá dầu giảm sẽ không tạo áp lực lên chính phủ Iran bởi nước này đã soạn thảo một ngân sách “phụ thuộc vào dầu ở mức thấp nhất”, với dự kiến chỉ 1/3 doanh thu là đến từ xuất khẩu dầu thô trong năm tài khóa tới, bắt đầu từ ngày 21/3/2015.