Động thái này cho thấy thành viên sản xuất dầu thô lớn thứ 2 Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu thô (OPEC) muốn lấy lại vị thế của mình trên thị trường.
Một nhà máy sản xuất dầu tại Iran
Iran đang đàm phán để đi đến một thỏa thuận cuối cùng trong chương trình hạt nhân của nước này. Đổi lại, quốc gia này sẽ được dỡ bỏ các lệnh cấm vận gây ảnh hưởng tới xuất khẩu dầu thô, ngăn chặn dòng vốn và nguồn tài chính đầu tư vào dầu mỏ.
Tháng 2/2015, Iran đã sản xuất 2,8 triệu thùng dầu/ngày thấp hơn nhiều so với mức 3,6 triệu thùng/ngày vào cuối năm 2011.
Nâng sản lượng
Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết các quốc gia này có thể nâng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày lên mức 3,8 triệu thùng/ngày trong vòng vài tháng, chỉ đứng sau Ả Rập Xê Út về sản lượng trong OPEC.
Một khi các lệnh cấm vận bị dỡ bỏ, Iran sẽ cần tìm các đối tác nước ngoài để thúc đẩy sản lượng khai thác. Manaar Energy Consulting dự báo Iran sẽ khai thác được 3,4 triệu thùng/ngày. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính nước này có thể nâng sản lượng lên 3,6 triệu thùng/ngày trong vòng 3 tháng kể từ sau khi dỡ bỏ cấm vận.
Đàm phán hạt nhân
Các cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran dự kiến hoàn thành một khung thỏa thuận vào cuối tháng 3/2015. Còn hạn cuối cho việc đàm phán này vào cuối tháng 6/2015 và các bên đang cố gắng để đạt được thỏa thuận trước thời hạn đó.
Mỹ cho biết sẽ không dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh trừng phạt. Theo thỏa thuận được đề xuất, Mỹ sẽ chỉ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận về kinh tế trong vòng 6 tháng khi các thanh tra Liên Hiệp Quốc xác minh xem Iran có tuân thủ các điều khoản hay không.
Diễn biến thực tế hiện nay cho thấy việc Iran cung thêm dầu trước năm 2016 là không chắc chắn. Tuy nhiên, quốc gia này đã chuẩn bị để xuất khẩu thêm dầu thô ra thị trường. Chính phủ Iran đã đàm phán với ít nhất 3 người mua tại thị trường Châu Á về việc bán dầu thô khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Ngoài những tham vọng phục hồi sản lượng khai thác dầu như trước cấm vận, Iran đang tìm cách tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày bằng cách tăng sản lượng khai thác tại các mỏ vùng biên giới trước khi bị các nước láng giềng khai thác hết (Những mỏ dầu vùng biên giới thường là một mỏ chung được khai thác bởi 2 nước với giàn khoan tại mỗi quốc gia).
Tiềm năng của Iran
Cựu Giám đốc Chiến lược Leonardo Maugeri của Eni SpA nói rằng Iran có tiềm năng to lớn trong sản xuất dầu thô. Quốc gia này có thể “bùng nổ” trong lĩnh vực này nếu được mở cửa cho các công ty nước ngoài đầu tư.
Theo các chuyên gia, Iran sẽ cần khoảng 50 tỷ USD đầu tư và ít nhất là 5 năm để tăng sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong sản lượng hiện tại.
Một loạt các tập đoàn lớn như BP, Shell hay Lukhoil đã đàm phán với Iran về khả năng hợp tác trong ngành sản xuất dầu mỏ trong tương lai.
Tăng trưởng của Iraq
Một thành viên khác của OPEC là Iraq sau khi được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đã mở cửa trở lại cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2009.
Theo số liệu của IEA, quốc gia này đã thu hút hàng chục tỷ USD đầu tư nước ngoài. Nước này cũng đã đẩy mạnh sản lượng lên 3,7 triệu thùng/ngày tính đến tháng 12/2014, mức cao nhất kể từ năm 1979 và tăng gấp đôi so với năm 2010.
Iraq đã vượt qua Iran để trở thành quốc gia xuất khẩu dầu thứ 2 OPEC vào tháng 7/2012 được đánh giá có tiềm năng rất lớn. Nhiều chuyên gia cho rằng Iraq có thể đạt sản lượng khai thác 5 triệu thùng/ngày trong vòng 5 năm tới.