Từng là thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), song Indonesia đã trở thành nước nhập khẩu ròng dầu mỏ và đã phải rút khỏi tổ chức này vào năm 2009 do sản lượng khai thác ngày càng giảm trong khi nhu cầu ngày một cao hơn.
Theo dự báo của IPA, vào năm 2019, nhu cầu dầu mỏ của Indonesia sẽ lên tới 6,19 triệu thùng/ngày, trong khi nguồn cung chỉ đạt 6,04 triệu thùng/ngày. Hiện tại, tiêu thụ dầu mỏ của quốc đảo này vào khoảng 1,6 triệu thùng/ngày, song sản lượng chỉ đạt mức 798.000 thùng/ngày.
Chủ tịch IPA Craig Stewart, tổ chức đại diện cho 58 công ty dầu khi lớn hoạt động ở Indonesia, nhấn mạnh rằng tăng trưởng kinh tế Indonesia sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng giải quyết tình trạng quan liêu, kém hiệu quả và thiếu đầu tư thích đáng vào lĩnh vực năng lượng của Chính phủ Indonesia.
Theo IPA, nội các mới của Indonesia dưới sự lãnh đạo của tân Tổng thống Joko Widodo cần phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư-kinh doanh để thu hút các nhà đầu tư, nhất là vào ngành dầu khí và đưa ra chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư vào lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại các vùng biển nước sâu.
Cựu Chủ tịch IPA Lukman Mahfoedz cho biết giá dầu thô đang trong xu hướng tụt dốc, hiện dao động quanh mức 60 USD/thùng, giảm hơn 40% trong vòng 6 tháng qua và việc giá dầu giảm sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh giành thị phần toàn cầu, trong đó các nước sản xuất có chi phí cao như Indonesia, có thể bị đẩy ra khỏi thị trường và cuộc khủng hoảng giá dầu đã bắt đầu sẽ cản trở kế hoạch của nhiều công ty dịch vụ dầu khí tại Indonesia, khiến mức thu hút đầu tư của ngành Indonesia sẽ không đạt con số 32 tỷ USD như dự kiến ban đầu.
Về triển vọng trong ngắn hạn, IPA cho rằng Indonesia có thể sẽ phải nhập khẩu tới 575.000 thùng dầu/ngày trong năm 2015 để bù đắp thâm hụt nguồn cung.
Vụ trưởng Phát triển Dầu khí Bộ Năng lượng và Khoáng sản Indonesia , Agus Cahyono Adi, cũng chia sẻ dự báo trên và lưu ý rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung dầu của nước này sẽ tiếp tục tồn tại chừng nào không tăng được sản lượng khai thác và năng lực sản xuất của các nhà máy lọc dầu.
Theo ông Agus Cahyono Adi, Indonesia hiện có 8 nhà máy lọc dầu với tổng công suất lắp đặt 1,166 triệu thùng/ngày song mới chỉ đạt công suất thực tế 800.000 thùng/ngày. Sáu trong số tám cơ sở lọc dầu này thuộc quyền quản lý của Công ty dầu khí quốc doanh PT Pertamina lớn nhất Indonesia./.