IEA: Dư cung dầu toàn cầu cao nhất 17 năm nhưng sẽ giảm năm 2016

IEA: Dư cung dầu toàn cầu cao nhất 17 năm nhưng sẽ giảm năm 2016

(NDH) Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), tình trạng dư thừa dầu mỏ trên thị trường sẽ tiếp tục tồn tại cho đến năm 2016 trước khi suy giảm do nhu cầu đi lên và tăng trưởng nguồn cung giảm tốc.

IEA dự đoán dự trữ dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng trong năm 2015 dù nhu cầu tiêu thụ dầu có mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Sản lượng cung dầu của các nước khai thác ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) năm 2016 sẽ giảm lần đầu tiên trong 8 năm qua.

Giá dầu trên thị trường New York đã xuống mức thấp nhất trong 6 năm qua do các thành viên OPEC tăng cường sản lượng nhằm bảo vệ thị phần, trong khi kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến nhà đầu tư lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu thô của nước này suy giảm. Ngoài ra, việc Iran đạt được thỏa thuận dỡ bỏ cấm vận cũng gia tăng áp lực dư thừa nguồn cung trên thị trường.

Một hậu quả tất yếu từ giá dầu thấp là dự trữ ngoại hối của các nước OPEC đang giảm. Dự trữ ngoại hối của Ả Rập Xê Út đạt đỉnh 800 tỷ USD vào giữa năm 2014 nhưng đang suy giảm nhanh chóng. Riêng trong tháng 4/2015, kho dự trữ của nước này đã mất 36 tỷ USD. Trước tình hình đó, chính phủ quốc gia này đã quyết định quay trở lại thị trường trái phiếu với hy vọng vay được 27 tỷ USD tính đến cuối năm nay.

Theo ước tính của IEA, thế giới sẽ dư thừa bình quân 1,4 triệu thùng dầu/ngày trong nửa cuối năm 2015, trước khi giảm xuống mức khoảng 850.000 thùng/ngày vào năm 2016. Trong quý II/2015, thế giới dư thừa 3 triệu thùng/ngày, mức cao nhất trong 17 năm qua.

Sản lượng khai thác của OPEC trong tháng 7/2015 đặt 31,79 triệu thùng/ngày, gần mức kỷ lục trong 3 năm qua.

Tổ chức IEA ước tính nhu cầu dầu mỏ năm 2015 sẽ tăng với tốc độ gấp đôi so với năm ngoái do giá dầu thấp kích thích tiêu dùng tại Mỹ cũng như tình hình kinh tế được cải thiện ở thị trường này. Trong năm nay, nhu cầu dầu mỏ sẽ tăng 1,6 triệu thùng/ngày lên bình quân khoảng 94,2 triệu thùng/ngày.

Năm 2016, nhu càu dầu mỏ được dự kiến tăng thêm 1,4 triệu thùng/ngày lên 95,6 triệu thùng/ngày.

Trong khi đó, sản lượng của các nước khai thác ngoài OPEC sẽ giảm 200.000 thùng/ngày xuống 57,9 triệu thùng/ngày vào năm 2016.

Một kết quả thú vị nữa là đầu tư cho ngành năng lượng thay thế dầu mỏ không hề giảm mạnh như các dự đoán trước đó khi giá dầu hạ. Nguyên nhân là dầu mỏ chỉ chiếm 5% đóng góp cho việc sản xuất điện năng trên thế giới. Do đó, IEA cho rằng dầu mỏ không phải là yếu tố cạnh tranh trực tiếp với năng lượng gió, mặt trời và các nguồn năng lượng thay thế khác.