Công ty khai thác dầu khí có trụ sở tại California này cho biết việc thực hiện những dự án khai thác khí đốt dầu đá phiến tại thời điểm hiện tại là không có hiệu quả về kinh tế, do đó công ty Chevron đã quay lại các dự án khai thác dầu trong nước. Trước đó, công ty này cũng từ bỏ một dự án thăm dò khí đốt dầu đá phiến tại Ba Lan với lý do tương tự.
Một mỏ thăm dò khí đốt của Chevron tháng 4/2014
Hãng Chevron cho biết : “Chevron có ý định từ bỏ những quyền lợi của công ty trong những dự án tại Rumani trong năm 2015. Đây là một quyết định kinh doanh dựa trên những kết quả đánh giá tổng thể của công ty đối với dự án tại Rumani, trong đó cho rằng dự án này không mang tính cạnh tranh với các dự án đầu tư khác trong danh mục đầu tư của công ty Chevron.”
Công ty Chevron hiện đang sở hữu dự án khai thác dầu đá phiến với diện tích 1,6 triệu Acre (1 Acre = 4046,86 m2) tại vùng Đông Bắc Rumani và 3 dự án khác với tổng diện tích 670.000 Acre tại Đông Nam Rumani.
Những dự án này đánh dấu một bước ngoặt cho nền công nghiệp khai thác dầu đá phiến Châu Âu. Nhiều quan chức chính phủ Châu Âu đã cho biết việc phát triển những dự án năng lượng trên là ưu tiên hàng đầu tại đây. Tuy nhiên, những rắc rối về chính trị và môi trường tại khu vực này cũng như kết quả thăm dò đáng thất vọng đã chấm dứt hy vọng về khai thác dầu đá phiến tại đây.
Năm 2014, Thủ tướng Rumani Victor Ponta đã cho biết rằng các công ty khai thác dầu có thể gặp khó khăn khi tìm kiếm dầu đá phiến tại đây. “Có vẻ như đất nước tôi không có nguồn tài nguyên khí đốt dầu đá phiến, chúng tôi đang tìm kiếm nguồn tài nguyên mà quốc gia tôi không có.”
Báo cáo năm 2013 của Cục Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) dự đoán rằng Rumani có trữ lượng khí đốt dầu đá phiến lớn thứ 5 tại Châu Âu sau Nga, Ba Lan, Pháp và Ucraina.
Tại Ba Lan, nước được dự đoán có trữ lượng khí đốt dầu đá phiến chỉ đứng sau Nga với ước tính ban đầu 148 nghìn tỷ mét khối, cũng có những kết quả thăm dò đáng thất vọng. Trước khi công ty Chevron từ bỏ các dự án thăm dò khí đốt dầu đá phiến tại đây, một loạt các công ty đã rút lui khỏi các dự án thăm dò tại nước này như Exxon Mobil, Total và Marathon Oil.
Trước đó, Ba Lan đã từng được đánh giá là đại diện cho niềm hy vọng lớn nhất của Liên minh Châu Âu trong việc phá vỡ thế kiểm soát của Nga trong lĩnh vực khí đốt tự nhiên.
Pháp cũng là một quốc giá với những dự đoán đầy hứa hẹn về trữ lượng khí đốt dầu đá phiến, nhưng nước này lại có những đạo luật cấm khai thác bằng công nghệ Fracking, công nghệ chính trong việc khai thác khí đốt dầu đá phiến.
Chuyên gia phân tích Ildar Davletshin của Renaissance Capital cho biết những công ty dầu khí lớn rút lui khỏi những dự án thăm dò tại Châu Âu đang thực hiện một quyết định mang tính chiến lược.
Theo ông Davletshin, những dự án này chỉ mang tính hiệu quả tương đối vì không đem lại nhiều lợi nhuận trong tình hình giá năng lượng ở mức thấp và các nhà khai thác có thể tìm kiếm những cơ hội tốt hơn tại những khu vực khác như tại vùng mỏ của vịnh Mexico.
Ông Davletshin cũng cho biết “Cá nhân tôi không cho rằng Ba Lan và Ucraina có thể trở thành một trung tâm về năng lượng trong tương lai gần.”
Châu Âu vẫn phải phụ thuộc nhiều vào Nga về nguồn khí đốt
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng việc khai thác khí đốt dầu đá phiến tại Châu Âu là một kế hoạch không chắc chắn trong tình hình các công ty khí đốt Nga thu lợi nhuận lâu dài tại thị trường Châu Âu chủ yếu là nhờ nguồn cung cạnh tranh.