Ảnh minh họa
Theo VTV, doanh nghiệp nông nghiệp chưa chiếm tới 6% của doanh nghiệp cả nước, tỷ lệ nhiều ngành hàng sản xuất theo mô hình liên kết dưới 10%.
Sự manh mún của sản xuất và sức hút chưa đủ mạnh của chính sách được cho là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không mặn mà hợp tác với nông dân.
Xã Tân Hưng (Sóc Sơn, Hà Nội) có hơn 8.000ha đất nông nghiệp đa số là trồng lúa. Xã đã có chủ trương liên kết sản xuất với doanh nghiệp nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào vào cuộc. Một trong nhiều lí do khiến doanh nghiệp "lắc đầu" là do quy mô sản xuất.
Trả lời VTV, ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, huyện Sóc Sơn, Hà Nội cho biết hầu hết các hộ vẫn chưa tập trung sản xuất nên việc thống nhất quy trình sản xuất từ triển khai, thu hoạch đến bao tiêu sản phẩm vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Sản xuất manh mún không chỉ ở riêng xã Tân Hưng mà trên phạm vi cả nước có tới hơn 70 triệu mảnh ruộng trong đó chỉ có hơn 14 triệu hộ nông dân. Ruộng đồng bị xé lẻ ra, hạ tầng canh tác chưa hoàn thiện.
Để khắc phục hạn chế này nhiều chính sách đã được đưa ra để đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp. Có tới hơn 100 chính sách khác nhau nhưng hiệu quả tạo ra thì không được bao nhiêu.
Ông Hồ Xuân Hùng, Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và PTNT cho hay nói chính sách nhiều nhưng chưa đủ mạnh cũng chưa hẳn.
"Thực ra khi triển khai chính sách bao nhiêu cũng vậy thôi, đụng đến ngân hàng mắc đến ngân hàng, đụng đến đất đai mắc đường đất, rồi đến việc xử lí vấn đề môi trường ví dụ như chăn nuôi là lớn lắm", ông Hùng cho biết.
Không có doanh nghiệp, sản xuất ở xã Tân Hưng vẫn theo kiểu manh mún. Nhà bà Vũ Thị Cảnh (xã Tân Hưng) có 4 sào ruộng mà được phân bố ở 4 cánh đồng khác nhau nên canh tác vẫn phải dựa vào sức người là chính. Do đó chi phí tăng cao, lợi nhuận không còn lại được bao.
"
Lúc nào có doanh nghiệp tham gia để người nông dân chúng tôi làm ra hạt thóc, chăn nuôi lợn bò để chúng tôi bán được giá hơn thì mới bớt vất vả", bà Cảnh nói.
Nhiều nông dân cũng mong chờ việc doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để sản xuất tốt hơn. Chưa biết bao giờ thì mong muốn đó mới đạt được nhưng hiện tại chi phí sản xuất đã lại tăng hơn 2 triệu đồng/sào.
>>> Sự thật buồn đằng sau thành tích xuất khẩu nông sản