Tuy nhiên, việc phát triển cây hồ tiêu đang trở nên quá nóng.
Dao động từ 202 - 210 nghìn đồng/kg, người trồng tiêu đang lãi lớn, bởi theo tính toán, nếu giá bán chỉ 80 nghìn đồng/kg đã hòa vốn. Lợi nhuận cao đang khiến người nông dân Tây Nguyên phát triển mạnh cây hồ tiêu. Tính đến cuối tháng 9/2014, trên địa bàn huyện Chư Pưh tổng diện tích trồng tiêu lên tới trên 2.300 ha.
Phát triển nóng diện tích trồng tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro
Vốn ngân hàng cũng đang góp sức phát triển cây trồng này. Giám đốc Agribank chi nhánh huyện Chư Pưh, ông Lưu Minh Hùng cho biết, hiện tổng dư nợ cho vay của chi nhánh là trên 320 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay đầu tư trồng và chăm sóc cây tiêu chiếm đến trên 85%. Xét về chất lượng tín dụng của Agribank Chư Pưh hiện rất tốt, không có nợ xấu…
Tuy nhiên, việc phát triển cây hồ tiêu đang trở nên quá nóng. Chẳng hạn như tại huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) hiện có gần 1.700 ha tiêu thâm canh, trong đó 1.500 ha kinh doanh tập trung ở các xã Ea Ning, Ea Bhôk, Ea Hu... năng suất bình quân đạt 4 tấn/ha, vượt quy hoạch 1.600 ha. Do quỹ đất có hạn, muốn trồng tiêu nông dân phải phá bỏ các loại cây trồng khác như cà phê, điều, cao su hoặc trồng trên đất hoa màu, thậm chí trồng vội vàng trên những diện tích bị dịch bệnh chưa được xử lý khiến nguy cơ bùng phát, lây lan dịch bệnh tăng cao.
Theo Phòng Nông nghiệp huyện Cư Kuin, từ đầu năm 2014 đến nay bà con nông dân trồng mới hàng trăm ngàn trụ tiêu, chưa kể diện tích tiêu xen canh đến nay vẫn chưa có con số thống kê cụ thể. Việc nông dân trồng tiêu ồ ạt khiến ngành nông nghiệp địa phương khó kiểm soát về diện tích, dịch bệnh, đồng thời làm cho cung vượt cầu, ảnh hưởng trực tiếp đến giá tiêu trên thị trường.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bảo vệ thực vật, cây hồ tiêu rất nhạy cảm với các loại dịch bệnh, do đó chế độ trồng và chăm sóc phải khác với các loại cây trồng khác. Đặc biệt, việc chọn giống tiêu phải phù hợp với thổ nhưỡng, bởi tiêu là loại thân dây leo, tạo giống nhanh và dễ dàng hơn so với các loại cây khác, bề ngoài cây tiêu sinh trưởng phát triển tốt nhưng chính bản thân nó có thể chứa các mầm bệnh gây hại nên nếu lựa chọn không kỹ càng thì chất lượng giống không đảm bảo, làm phát sinh và lây lan dịch bệnh.
Hiện nay, do việc tự phát trồng tiêu của nông dân tăng cao khiến cung không đủ cầu, các thương lái tự động đẩy giá tiêu giống từ 12.000 lên 15.000 đồng/cây. Vậy nên, nông dân phải mua cây giống từ các địa phương khác, thông qua trung gian các nhà vườn hoặc các thương lái bán rong trên địa bàn, nguồn gốc và chất lượng chưa được kiểm chứng nên vườn tiêu dễ phát sinh sâu, bệnh gây hại, chất lượng tiêu hạt kém.
Việc nông dân chuyển hướng ào ạt sang trồng cây tiêu tại nhiều địa phương ở Tây Nguyên, không theo quy hoạch định hướng đã dẫn đến nhiều hệ lụy rất khó lường. Ông Lê Văn Lịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai quan ngại, hầu hết các hộ nông dân hiện đang chạy theo giá cả thị trường để lựa chọn cây trồng, bất chấp những rủi ro dịch bệnh trên cây tiêu đang lan rộng mà ngành Nông nghiệp khuyến cáo trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia, để đảm bảo đem lại hiệu quả trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là việc phát triển bền vững đối với cây tiêu hiện nay, chính quyền các tỉnh Tây Nguyên cần vào cuộc nhanh chóng để vận động nông dân không phát triển "nóng" đối với diện tích trồng cây tiêu, tập trung nâng cao chất lượng để tạo sự bền vững trong sản xuất, hạn chế việc phát triển ồ ạt, tránh rơi vào vết xe đổ trồng ồ ạt, chặt hàng loạt của một số cây trồng trước đây.