LTS: Dù là nước nông nghiệp nhưng mỗi năm Việt Nam phải tốn hàng trăm triệu USD để nhập khẩu hạt giống, con giống. Từ giống heo, gà, bò… đến hạt giống lúa, bí bầu, cà chua… đều phải nhập và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn cung từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam. Thực trạng trên đã và đang làm gia tăng chi phí sản xuất, dẫn đến những thiệt hại lớn cho nông dân lẫn doanh nghiệp nếu nhập nguồn giống kém chất lượng.
“Ngành chăn nuôi đang phải nhập khẩu heo giống và phụ thuộc hoàn toàn về giống gà từ các công ty nước ngoài tại Việt Nam!” - ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, chia sẻ.
Có con heo giống giá 5.116 USD
Ông Vang cho biết giá heo giống nhập khẩu bình quân của các lô hàng là 899 USD/con. Có nhiều lô hàng nhập khẩu heo giống thuần chủng từ Anh có giá nhập khẩu bình quân 5.116 USD/con giống. Việt Nam chủ yếu nhập heo giống từ Mỹ, Canada, Anh, Hà Lan, Đan Mạch.
Cũng trong tám tháng đầu năm 2014, cả nước nhập gần 1 triệu con gia cầm giống. Giá nhập khẩu bình quân 3,93 USD/con giống. Giống nhập từ New Zealand và Mỹ đều tăng mạnh.
Theo ông Vang, không tính giống bò sữa thì mỗi năm nước ta tốn khoảng 6 triệu USD nhập giống gia súc, gia cầm. Trong đó, tốn khoảng 2 triệu USD nhập giống heo, 4 triệu USD giống gia cầm.
Như Nhật, Mỹ, Canada phải mất hàng trăm năm họ mới tạo ra được những con giống chất lượng. Việt Nam vẫn phải nhập giống cụ kị nước ngoài đem về chọn lọc, nhân thuần thích nghi mới có con giống đưa vào sản xuất. Hằng năm nước ta đã nhập khẩu bình quân khoảng 1-1,2 triệu con giống gia cầm, hơn 1.000 heo giống, 7.000-8.000 bò giống sữa và thịt. Đấy là chưa kể một lượng giống nhập lậu khổng lồ từ Trung Quốc đổ vào nước ta.
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, thông tin: “Hằng năm các trang trại cùng với các hợp tác xã, doanh nghiệp (DN) liên kết lại mới đủ tiền để nhập heo giống từ Mỹ. Heo đực giống có giá khoảng 2.600 USD/con, heo nái có giá 1.800 USD. Phải nhập giống vì năng suất, chất lượng giống heo ngoại tốt hơn hẳn giống ở các cơ sở trong nước. Một con heo nái giống ngoại đẻ được 28 con/năm, trong khi con giống Việt Nam chỉ có 18 con/năm. Chưa kể để nuôi con giống nội tiêu tốn lượng thức ăn nhiều hơn. Để được 1 kg thịt, giống heo nội cần tới 2,8 kg thức ăn, trong khi giống heo ngoại chỉ cần 2,4 kg thức ăn”.
Theo ông Công, các công ty giống trên thế giới đều áp dụng công nghệ khai thác giống bắt đầu từ cấp cụ kị - ông bà - cha mẹ - thương phẩm nên chất lượng, năng suất, khả năng chống chịu bệnh tật tốt. Nhưng Việt Nam, các công ty giống lại bắt đầu từ giống cha mẹ sản xuất ra con thương phẩm. Ngay cả con heo giống cụ kị nhập khẩu về cũng chỉ khai thác được 3-4 năm, những trang trại tự làm cũng được vài năm là thoái hóa giống, năng suất, chất lượng giảm nên rốt cuộc năm nào cũng phải nhập giống.
Mối nguy phụ thuộc
Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, cho biết nguồn cung gà giống dùng nuôi để đẻ trứng trong nước hiện do các công ty có vốn đầu tư nước ngoài như C.P Việt Nam, Japfa và Emivest cung cấp. Thị phần của các đơn vị này chiếm hơn 90% cả nước. Mỗi tháng ba đơn vị này cung cấp ra thị trường khoảng 6,2-6,5 triệu con giống. Gà lông trắng thì không phải bàn vì 100% phụ thuộc DN ngoại nhưng giống gà lông màu, vốn là giống thế mạnh của nước ta cũng đang bị DN ngoại lấn át.
Ông Phạm Đức Bình, Giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, cho rằng DN nước ngoài nắm hoàn toàn thị phần gà giống khiến ngành chăn nuôi trong nước bị động, phụ thuộc. Đã từng xảy ra chuyện DN dùng “vũ khí” con giống để điều khiển thị trường. Chẳng hạn với gà giống lông trắng, thời gian qua đã có dấu hiệu cho thấy các DN nước ngoài tung chiêu tăng giá khiến các chủ trang trại khốn khó.
Vốn đầu tư cho một trại gà 10.000 con phải hơn 1 tỉ đồng, tiền gà giống đã ngốn hơn 1 tỉ đồng. Chỉ cần DN ngoại tăng giá giống là trang trại lại tốn thêm cả đống chi phí đầu vào. Cũng có trường hợp các DN ngoại bắt tay nhau giảm nguồn cung giống gà đẻ cho các trang trại để tăng giá trứng. Khi đó chỉ những trang trại của các DN ngoại hưởng lợi.
Cần chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giống trong nước
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, việc phát triển giống vật nuôi ở nước ta hạn chế do cơ sở vật chất, thiết bị của nhiều trung tâm giống không được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng yêu cầu cho các thí nghiệm có độ chính xác cao. Ngoài ra, nguồn kinh phí dành cho các đề tài nghiên cứu về giống còn hạn chế.
Ông Vang cho rằng cần ứng dụng công nghệ cao trong việc tạo và nhân nhanh các giống mới có năng suất, chất lượng cao để đưa ra sản xuất. Đối với giống heo, cần chọn tạo giống đặc trưng cho Việt Nam nhằm khai thác gien quý, chọn lọc nâng cao hiệu quả con giống.
Còn theo TS Nguyễn Thanh Sơn, Viện Chăn nuôi, việc nhập khẩu giống vật nuôi là cần thiết, nước nào cũng phải nhập. Quan trọng là chúng ta khai thác và sử dụng có hiệu quả các giống vật nuôi ngoại, tránh tình trạng nhập khẩu giống vật nuôi kém chất lượng hoặc nhập khẩu ồ ạt nhiều nguồn gien không có chọn lọc. TS Sơn cho rằng nên có chính sách ưu tiên cho lĩnh vực tư nhân tham gia vào nghiên cứu phát triển con giống thay vì đầu tư quá nhiều cho các cơ sở nghiên cứu của Nhà nước nhưng hiệu quả thấp. Nhà nước cần nghiên cứu cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ cho các cơ sở giống trong nước về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, ưu đãi thuế.
Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chất lượng giống, chỉ cấp chứng chỉ giống cho những cơ sở sản xuất có uy tín và công khai những cơ sở không bảo đảm chất lượng. Liên doanh liên kết với các cơ quan, địa phương, DN nhằm huy động các nguồn vốn để phát triển và đầu tư cho đàn giống theo yêu cầu và thực tế sản xuất của Việt Nam, từng bước hạn chế nhập khẩu con giống như hiện nay. Ông NGUYỄN XUÂN DƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Năm nào tôi cũng mua giống vịt của một DN nước ngoài tại Việt Nam là do giống ngoại ổn định, chất lượng đồng đều, tăng trọng nhanh và có nhiều chính sách hỗ trợ tốt. Ông CHÂU NHẬT TRUNG, Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ |
Theo Quang Huy