Hàu bất ngờ chết hàng loạt gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng khiến cả trăm hộ dân ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre lâm vào cảnh vỡ nợ
Đó là tình cảnh của hàng trăm hộ dân nuôi hàu tại xã ven biển Thừa Đức và xã Thới Thuận (huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre).
Hàu há miệng nông dân há mồm
Những ngày qua tại ấp Thừa Thạnh, xã Thừa Đức hàng trăm con hàu chết hả miệng trắng cả một khu vực ven biển khiến nông dân khốn đốn. Anh Tư Trường dầm mình trong nước vớt những giá thể hàu chết lên bờ nói: “Sau 16 tháng đầu tư, nuôi dưỡng, hàu sắp tới ngày thu hoạch thì bất ngờ hàu há miệng chết kín cả khu vực. Đắng lòng thiệt. Giờ phải lo vớt hàu lên bờ chứ không lại ô nhiễm, mùa sau không thể làm gì được”.
Phía trên bờ, hàu chết được nông dân chất thành đống kéo dài ven bờ biển.
Bà Lê Thị Lung ở xã Thừa Đức thiệt hại cả chục tấn hàu xót xa nói: “Hàu chết đột ngột quá không kịp trở tay. Cũng chẳng biết nguyên nhân gì nhưng chắc do độ mặn quá cao. Cả trăm triệu đồng sắp được cầm vào tay giờ bay đi mất. Không biết lấy đâu ra tiền trả nhân công và giá thể (ngói xi măng)”.
“Nhà tôi nuôi 5 tấn hàu, giờ chết hết không còn một con. Mỗi lần xúc hàu vào bao tải đưa đi tiêu hủy, tôi muốn khóc. Lẽ ra vụ này gia đình tôi kiếm được mấy trăm triệu, nhưng giờ thì mất trắng. Đợt này vỡ nợ thiệt rồi”, anh Văn Quốc nói như khóc.
Hàu chết nông dân buồn bã.
Cùng cảnh ngộ với anh Quốc, bà Nguyễn Thị Thắm một trong những người nuôi hàu lớn nhất xã Thừa Đức ngậm ngùi: “Cả trăm tấn hàu vớt lên giờ chỉ còn vỏ. Một số con còn sống nhưng gọi tiểu thương họ cũng không đến mua. Tháng trước họ đặt tiền cọc 26.000đ/kg nhưng giờ gọi lại họ lại hẹn và không đến mua. Mấy nay mất ăn mất ngủ. Mỗi lần ra nơi nuôi hàu, thấy cả ngàn con hàu há miệng tôi cứ nghĩ sắp tới mấy miệng ăn trong nhà sẽ há mỏ quá”.
Hàu chết hết, người dân ở hai xã Thừa Đức và xã Thới Thuận lâm vào cảnh vỡ nợ. Nhiều người dự tính sẽ lên Sài Gòn làm thuê để có tiền trả nhân công, vật tư.
Số lượng hàu chết được nông dân vớt lên để lên bờ nhằm tránh ô nhiễm
Số lượng hàu chết được nông dân vớt lên để lên bờ nhằm tránh ô nhiễm
Nghi do nhiễm mặn
Ông Nguyễn Văn Biền – cán bộ kinh tế kinh tế xã Thừa Đức, huyện Bình Đại cho biết, toàn xã 66 nuôi hàu, tất cả lượng hàu chết khoảng hơn 200 tấn, thiệt hại ước tính 47 tỷ đồng. “Ngoài nguyên nhân nước nhiễm mặn, ô nhiễm nguồn nước, thời tiết nắng nóng ban ngày và nhiệt độ hạ thấp đột ngột vào ban đêm làm cho hàu bị chết hàng loạt. Ngành nông nghiệp đang lấy mẫu để kiểm ta và tìm nguyên nhân thiệt hại”, ông Biền nhận định.
Theo ông Nguyễn Văn La – trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bình Đại, nguyên nhân ban đầu hàu chết ở khu vực trên địa bàn huyện được xác định là do môi trường nuôi hàu có độ mặn quá cao. Tại cửa sông Cống Bế - khu vực người dân nuôi hàu, độ mặn đo được từ 35%0 – 37%0, cao hơn khoảng 10%0 so với những năm trước trong khi môi trường nước có độ mặn dưới 25%0 mới thích hợp cho con hàu phát triển.
Số hàu chưa bị chết được nông dân vớt vát thu hoạch bỏ vào bịch để ngâm đá bán nhưng cũng không có người đến mua
Trước tình hình hàu nuôi chết tại các ven sông thuộc địa bàn xã Thừa Đức, Thới Thuận và diễn biến bất thường của tình trạng xâm nhập mặn, ông Vũ Văn Tám – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có chuyến thị sát, ghi nhận tình hình thực tế tại xã Thừa Đức địa phương có số lượng hàu chết nhiều nhất. Ông Tám yêu cầu chính quyền địa phương cần tập trung theo dõi tình hình hạn, mặn, thống kê số liệu tình trạng hàu chết, tìm giải pháp cụ thể giảm thiệt hại cho người nuôi hàu.
Mô hình nuôi hàu đem lại lợi nhuận kinh tế cao cho người nuôi, thậm chí có nhiều hộ vươn lên khá giàu. Tuy nhiên, hiện nay, hàu chết hàng loạt khiến người dân ở Bình Đại không còn muốn nhắc đến hàu. Mỗi lần nhắc họ lại lo lắng về số tiền đã vay để đầu tư giờ không có khả năng chi trả.